Đường lưỡi bò ở đâu ra? -Kỳ cuối: Bất chấp công lý và dư luận
Đường lưỡi bò ở đâu ra? -Kỳ cuối: Bất chấp công lý và dư luận
> Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 4: “Đường lưỡi bò” được “sáng tác” ra sao?
> Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 3: Lâm Tuân là ai?
> Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 2: Nhật bại trận, Trung Hoa “nước đục thả câu”
> Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 1: Manh nha xâm chiếm Hoàng Sa - Trường Sa
> Tại sao Mỹ im lặng khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (phần 3)
> Truyền thông Trung Quốc đưa tin bản đồ Trung Quốc 1904
> Tại sao hải quân đánh bộ VN trang bị mới súng TAR-21 của Israel
Thủ tướng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn quốc gia Việt Nam (chính quyền Sài Gòn), ký hòa ước San Francisco ngày 8-9-1951 - Ảnh tư liệu |
Quốc tế không thừa nhận
Như đã nói trong các phần trước, các Bản tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam hoàn toàn không đề cập gì tới vấn đề hoàn trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật đã chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tại sao? Do các nước đồng minh sơ ý hay quên? Dĩ nhiên là không! Trái lại, chúng ta có thể khẳng định rằng lãnh đạo các cường quốc lúc đó đã không cho rằng quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc.
Đến đầu tháng 9-1951, theo lời mời của Mỹ, 51 quốc gia đã từng tham gia hoặc có liên hệ với cuộc chiến chống Nhật đã tham gia Hội nghị San Francisco (Mỹ). Điểm đáng chú ý là cả Trung Quốc và Đài Loan đều không được mời dự.
Từ Bắc Kinh, Chính phủ Trung Quốc phản ứng với nội dung dự thảo Hòa ước San Francisco có liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình tại hai quần đảo này.
Nhưng tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai không tác động được gì đến các đại biểu dự Hội nghị quốc tế San Francisco. Một bằng chứng rõ ràng là tại hội nghị này, ngày 5-9-1951, đại diện Liên Xô là Andrei Gromyko (sau này là ngoại trưởng Liên Xô), có lẽ do áp lực từ phía Trung Quốc, đã đưa ra đề nghị trao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
Nhưng, kết quả bỏ phiếu đã cho chúng ta một con số đáng ghi nhớ: chỉ có 3 phiếu thuận, 1 phiếu trắng và có đến 47 phiếu chống lại việc trao Hoàng Sa - Trường Sa cho Trung Quốc. Hội nghị đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu phi lý này (theo Hoàng Sa Trường Sa - luận cứ và sự kiện, Đinh Kim Phúc, NXB Thời Đại 2011).
Hai ngày sau, ngày 7-9-1951, tại hội nghị này Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn quốc gia Việt Nam (phần đất do chính quyền Sài Gòn quản lý), đã lên tiếng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó có đoạn: “Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”.
Lời tuyên bố này đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản. Và trong tất cả 51 phái đoàn các nước, không có phái đoàn nào phản đối, kể cả Liên Xô.
Những sự kiện như thế đã minh chứng rằng cộng đồng quốc tế chưa bao giờ thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Nhưng Trung Quốc vẫn không từ bỏ mưu đồ xâm chiếm biển Đông. Năm 1953, Trung Quốc sử dụng bản đồ biển Đông có “đường 11 đoạn” biến thành “đường 9 đoạn” (bản đồ “đường lưỡi bò” ngày nay). Năm 1956, Trung Quốc ngang nhiên đưa hải quân xâm chiếm nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, họ đã dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, đưa hải quân tràn xuống phía nam, đổ bộ đánh chiếm nhiều đảo và bãi san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Năm 2009, họ còn ngang ngược đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ có “đường 9 đoạn” (“đường lưỡi bò”) yêu cầu tổ chức này công nhận chủ quyền của họ.
Quang cảnh Hội nghị quốc tế San Francisco năm 1951 - Ảnh tư liệu |
Không ai tin “đường lưỡi bò”
Về “đường lưỡi bò” phi lý này, ngay cả dư luận ở Trung Quốc cũng không đồng thuận. Học giả Lý Lệnh Hoa, thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc, đã khẳng định rằng: “Trung Quốc không hề có bất kỳ chứng cứ nào về “đường 9 đoạn”. đây chỉ là do Trung Quốc đơn phương tuyên bố năm 1947 và không được quốc gia nào thừa nhận”.
Và tại hội thảo “Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện nghiên cứu kinh tế và mạng Weibo của báo mạng Tân Lãng tổ chức ngày 14-6-2012, một số học giả nổi tiếng trong giới nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc đã chỉ ra những sai trái và vô lý của nước này trong việc tuyên bố về “đường lưỡi bò”.
Mở đầu cuộc hội thảo, giáo sư Thịnh Hồng (Trường đại học Sơn Đông kiêm viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc) cho rằng cách nhìn của một bộ phận người dân Trung Quốc còn thiên lệch về chủ quyền lãnh thổ. “Trung Quốc hãy có trách nhiệm với những diễn biến và hòa bình vĩnh cửu của toàn thể thế giới. Bắc Kinh không nên chỉ nghĩ lợi ích cho mình mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể thế giới bằng việc tuân thủ những quy tắc quốc tế” - giáo sư Thịnh kêu gọi.
Cùng tham vấn tại hội thảo, giáo sư Lý Lệnh Hoa cho rằng rất nhiều học giả Trung Quốc khẳng định về “đường 9 đoạn”, song nó không có thật. Theo ông Lý, tính không thật của nó nằm ở chỗ dù nó chiếm 80% biển Đông song Trung Quốc khi vẽ lại không có kinh độ vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có chứng cứ pháp lý. Giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc Thời Đoạn Hồng cũng đã phủ nhận về tính pháp lý quốc tế của “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đưa ra: “Chủ quyền Trung Quốc ở đâu, toàn bộ biển Đông thuộc về Trung Quốc? Gần đây báo chí Trung Quốc cũng đã lập lờ về cách nói này. Nếu nói toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc thì toàn thế giới này sẽ không đồng ý”.
Lấy chữ “nhân” để nói về việc Trung Quốc ứng xử vô lý trong vấn đề “đường 9 đoạn”, giáo sư Viện triết học Đại học Nhân dân Trung Quốc Hà Quang Hộ đã phát biểu: “Là người phải có nhân tính, chúng ta là con người chứ không phải là loài dã thú sống trong rừng sâu. Trong mối quan hệ giữa người với người, nhất định liên quan đến lợi ích của người khác là vấn đề lớn mà chúng ta cần chú ý. Nếu theo cái gọi là “đường 9 đoạn” mà chúng ta đang nhìn thấy thì đường giới tuyến trên biển của Trung Quốc sẽ liếm tới đường bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tôi không dám tin là các quốc gia này sẽ chấp nhận bản đồ đó”.
Bình luận của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc Tất cả những động thái trên đã cho chúng ta thấy rằng cuối cùng, đối với Trung Quốc, nói đi nói lại dù cho lời hay ý đẹp cũng là “chủ quyền thuộc ngã” khi muốn ôm trọn biển Đông ở phương nam hay những hòn đảo, đá… ở biển Đông Trung Hoa như Senkaku, Okinotori (Nhật Bản) mang tính chiến lược nằm trong tham vọng bành trướng mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc vẫn ấp ủ từ lâu. Việc Trung Quốc cưỡng chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và một phần quần đảo Trường Sa vào năm 1988 là hành vi xâm lược, vi phạm trắng trợn điều 2 (4) Hiến chương LHQ mà lại với tư cách là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Với hai tiếng “Trung Hoa” mà nhà nước và nhân dân Trung Quốc rất tự hào, chúng ta kêu gọi Nhà nước Trung Quốc hãy cư xử với Việt Nam và các nước Đông Nam Á như là một nhà nước văn minh. |
TheoMỸ LOAN (Tuổi Trẻ)