Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 4: “Đường lưỡi bò” được “sáng tác” ra sao?
Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 4: “Đường lưỡi bò” được “sáng tác” ra sao?
Song, chính luận điệu này đã cho thấy sự lật lọng của họ, bởi tại thời điểm mà đoàn đội Lâm Tuân xuất bến ra khơi, chính phủ Trung Hoa dân quốc đã hết quyền giải giáp quân Nhật đến những tám tháng. Bằng chứng được ghi rõ trong hiệp ước Trùng Khánh mà họ đã ký với chính phủ thực dân Pháp hồi tháng 2-1946.
> Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 3: Lâm Tuân là ai?
> Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 2: Nhật bại trận, Trung Hoa “nước đục thả câu”
> Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 1: Manh nha xâm chiếm Hoàng Sa - Trường Sa
> Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Nên thành lập “Hội nghiên cứu, tuyên truyền Biển Đông”
> Tại sao Mỹ im lặng khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (phần 3)
> Truyền thông Trung Quốc đưa tin bản đồ Trung Quốc 1904
> Tại sao hải quân đánh bộ VN trang bị mới súng TAR-21 của Israel
Bản đồ “Nam Hải chư đảo vị trí đồ” do Sở Phương vực (Trung Hoa dân quốc) biên soạn năm 1947 sau chuyến đi của Lâm Tuân. Bản đồ được vẽ và viết bằng tay. Đây là tiền thân của cái gọi là “đường chữ U” hiện nay - Ảnh: hudong.cn |
Điều này khẳng định việc cưỡng chiếm bất hợp pháp của họ đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa năm 1946. Và điều nghiêm trọng hơn, “đường lưỡi bò” đã ra đời từ đây, để rồi liếm trọn hơn 80% biển Đông.
“Trại sáng tác đường lưỡi bò”
Một số học giả Trung Quốc đại lục khẳng định chuyến đi từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam kéo dài hai tháng. Khi trở về Quảng Châu, tổng chỉ huy Lâm Tuân cùng một số học giả, nhà địa lý và chuyên gia sử học cùng ngồi lại để phác họa, vẽ ra cái gọi là bản đồ “11 đoạn” rồi giao cho Sở Phương vực thuộc bộ nội chính của chính quyền Trung Hoa dân quốc in ấn vào tháng 10-1947.
Tuy nhiên, tư liệu do tuần báo Phượng Hoàng (Hong Kong) trong cuộc gặp gỡ những người liên quan đến chuyến đi của Lâm Tuân đang sống ở Đài Loan lại cho biết người vẽ bản đồ “11 đoạn” không phải Lâm Tuân mà chính là giám đốc Sở Phương vực Phó Giác Kim. Ông này đã căn cứ trên những tư liệu sơ sài của Lâm Tuân, Trịnh Tư Duyệt và Tào Hi Mãnh để vẽ bản đồ trên. Tư liệu trên chỉ kể sơ sài rằng Trịnh Tư Duyệt sau khi trở về lục địa đã cùng với Phó Giác Kim chỉnh lý tư liệu thu thập được trên chuyến hành trình, sau đó trình lên viện hành chính thẩm định để chuẩn bị cho vẽ và in ấn.
Trong mớ tài liệu trình thẩm định này có bản đồ vị trí các đảo ở biển Đông do Bộ nội chính vẽ, bản đồ quần đảo Hoàng Sa, cụm đảo Đông Sa, quần đảo Trường Sa, đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình cùng những tư liệu về tên gọi mới và cũ của các đảo ở biển Đông. Cách mô tả của truyền thông Trung Quốc và Hong Kong nhằm tạo cảm giác cho người đọc rằng Trung Quốc đã rất chặt chẽ trong quá trình vẽ bản đồ biển Đông từ lúc này, song trên thực tế ngoài tấm bản đồ 11 đoạn với những ghi chú bằng nét chữ viết tay thì không ai thấy được những bản bút lục thật sự của những tư liệu của “bậc tiền bối” Trung Quốc để lại cho con cháu họ sau này.
Trong cuộc họp buổi chiều 14-4-1947, Bộ nội chính Trung Hoa dân quốc đã triệu tập hội nghị xác định phạm vi và chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hội nghị quy tụ những quan chức cấp cao của Trung Hoa dân quốc như Phó Giác Kim, tổng tư lệnh Lâm Tuân, đại diện bộ ngoại giao Trần Trạch Tương, đại diện bộ quốc phòng Mã Định Ba và Vương Chính Tự thuộc bộ nội chính. Các thành phần trên đã quyết định lấy vĩ tuyến 4 độ vĩ bắc, với chót điểm là bãi đá ngầm James ở gần Malaysia làm cực nam của bản đồ “đường 11 đoạn”. Đây chính là tiền thân của “đường lưỡi bò” ngày nay, cái mà Trung Quốc gọi là “đường chữ U” hay “đường 9 đoạn”.
Từ “11 đoạn” đến “9 đoạn”
Đến tháng 2-1948, Sở Phương vực đã gộp bản đồ biển Đông này vào “bản đồ khu vực hành chính của Trung Hoa dân quốc” và cho phát hành chính thức chỉ ở Trung Quốc. Chuyện phát hành bản đồ này chỉ diễn ra ở Trung Quốc thời bấy giờ, không có một công bố nào ở quốc tế cũng như khu vực châu Á nên không một quốc gia nào biết được Trung Quốc đã có một bản đồ về biển Đông “11 đoạn” như thế.
Bản đồ “11 đoạn” xuất hiện trong giai đoạn 1947-1949, khi Trung Quốc rơi vào nội chiến giữa Quốc Dân đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu với quân đội do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Sau ba chiến dịch Liêu Ninh - Thẩm Dương, Hoài Hải và Bình Tân, chỉ trong hai năm 1947-1948, hồng quân Trung Quốc đã bẻ gãy được xương sống của quân đội Quốc Dân đảng khi tiêu diệt 144 sư đoàn quân chính quy và 29 sư đoàn không chính quy của Quốc Dân đảng. Cho đến đầu năm 1949, chính quyền Quốc Dân đảng dần rút khỏi Trung Quốc và tháo chạy về Đài Loan.
Như vậy tấm bản đồ này ra đời chưa được bao lâu đã phải chịu số phận chết yểu khi chính quyền tạo dựng ra nó phải tháo chạy thoát thân khỏi Trung Quốc. Tấm bản đồ phút chốc đã biến thành tờ giấy lộn vô nghĩa khi mà trên trường quốc tế chẳng ai thừa nhận nó.
Thêm vào đó, tính vô hiệu lực của bản đồ này càng được thể hiện rõ khi ngày 4-12-1950, bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc lúc này là Chu Ân Lai đã tuyên bố tán thành bản tuyên ngôn Cairo năm 1943 được ba bên là Anh, Mỹ và Trung Quốc thống nhất, trong đó Trung Hoa dân quốc không đề cập đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai văn kiện này đều là văn kiện có chứng thực của quốc tế.
Tuy nhiên, lòng tham và mưu đồ “liếm” trọn biển Đông đã được “kế thừa”.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, sau khi đuổi Quốc Dân đảng ra khỏi đại lục, năm 1953 Chính phủ CHND Trung Hoa đã phê duyệt cắt bỏ hai đoạn ở vịnh Bắc bộ của Việt Nam để biến “đường 11 đoạn” thành “đường 9 đoạn” nhưng không nêu rõ lý do. “Đường 9 đoạn” này cơ bản giống với “đường 11 đoạn” của Trung Hoa dân quốc, chỉ có điều là nó tham lam hơn, “liếm” sát Việt Nam, Malaysia và Philippines hơn.
Tờ báo này thừa nhận Chính phủ Trung Quốc từ trước tới nay chưa hề “giải thích” hay nói rõ cho cộng đồng quốc tế về sự tồn tại của “đường 9 đoạn”. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh đã thừa nhận tính vô pháp lý của cái gọi là “đường lưỡi bò” trên trường quốc tế. Thế mà giờ đây họ cứ đem cái “sản phẩm tượng trưng” này ra để làm bằng chứng “thuyết phục” về yêu sách chủ quyền vô lý của họ ở biển Đông.
Theo MỸ LOAN (Tuổi Trẻ)
Bình luận của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc Ngày 26-11-1943, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa dân quốc Tưởng Giới Thạch đã ký một bản tuyên cáo chung (thường được gọi là Tuyên cáo Cairo) trong đó có đoạn viết: “Đối tượng của các nước này (tức là của ba nước Đồng minh) là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng chiếm từ khi có Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã cướp của người Trung Hoa, như là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, phải được hoàn trả Trung Hoa dân quốc. Nhật Bản cũng sẽ phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác đã chiếm được bằng vũ lực và lòng tham”. Đọc đoạn trích dẫn trên chúng ta thấy Tuyên cáo Cairo có hai quy định quan trọng: - Một là, chỉ có các đất Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ được hoàn trả cho Trung Quốc mà thôi. - Hai là, các lãnh thổ khác mà Nhật Bản chiếm được thì bản tuyên cáo này chỉ quy định việc trục xuất Nhật Bản, chứ không hề nói tới việc hoàn trả chúng cho Trung Quốc. Như vậy, chúng ta thấy rằng cho đến cuối năm 1943, Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã không đề cập đến những quần đảo này trong bản tuyên bố chung cuộc. Nếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thật sự thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì không có lý gì họ Tưởng chỉ đòi hoàn trả có Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ mà lại không đòi luôn Hoàng Sa và Trường Sa. |
_________
Kỳ tới:Bất chấp công lý và dư luận