Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 3: Lâm Tuân là ai?
Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 3: Lâm Tuân là ai?
> Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 2: Nhật bại trận, Trung Hoa “nước đục thả câu”
> Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 1: Manh nha xâm chiếm Hoàng Sa - Trường Sa
> Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Nên thành lập “Hội nghiên cứu, tuyên truyền Biển Đông”
> Tại sao Mỹ im lặng khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (phần 3)
> Truyền thông Trung Quốc đưa tin bản đồ Trung Quốc 1904
>Các lực lượng "khuấy đục" Biển Đông của TQ: Hải cảnh và cứu nạn (Kỳ 1)
Đây là con tàu Thái Bình chở Lâm Tuân và quan binh Trung Hoa dân quốc xuống xâm chiếm đảo Ba Bình tháng 12-1946 - Ảnh: news.ifeng |
Mơ hồ lai lịch “đường lưỡi bò”
Về lai lịch “đường lưỡi bò” này, cho đến nay ngay chính những người Trung Quốc bản địa còn nhiều người đang rất mơ hồ về căn nguyên của nó. Nó được vẽ như thế nào, kỹ thuật đo vẽ khảo sát ra sao không ai nói chính xác được. Giới truyền thông, giới sử học, luật gia, chính trị và địa lý học của Trung Quốc mỗi người trình bày mỗi kiểu, thậm chí mâu thuẫn nhau. Đặc biệt, chưa có một tổ chức quốc tế nào công nhận tính hợp pháp của bản đồ này.
Trong tác phẩm The Chinese U-shaped line in the South China sea: points, lines and zones, giáo sư Trường đại học Minh Truyền của Đài Loan Du Kiếm Hồng cho rằng “đường chữ U” (cách người Đài Loan gọi “đường lưỡi bò”) là do một người vẽ bản đồ tư nhân tên Hu Jinjie (Hồ Tấn Tiếp) vẽ từ năm 1914 sau khi Trung Hoa giành lại đảo Đông Sa (Pratas) từ nhóm thương gia người Nhật năm 1909.
Đường chữ U, theo cách mô tả của giáo sư Du, đó là một đường liên tục chạy từ biên giới đất liền của Trung Quốc vòng xuống bao lấy đảo Pratas (Đông Sa) và Hoàng Sa của Việt Nam, xuyên qua eo biển Đài Loan và dừng ở đường tiếp giáp giữa biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Nếu nhìn vào lý luận của giáo sư Du Kiếm Hồng thì điểm cuối của đường chữ U chỉ nằm ở khoảng 16 độ vĩ chứ không kéo dài tận quần đảo Trường Sa như hiện nay. Song cho đến nay không một tài liệu nào của Trung Quốc lẫn Đài Loan nói rõ về gốc tích nhân vật Hu Jinjie cũng như đường chữ U kiểu này.
Thế nhưng, một số học giả Trung Quốc lại dẫn chứng trước bản đồ “11 đoạn” Trung Quốc còn các bản đồ được vẽ từ tháng 12-1934 và tháng 4-1935. Trên tờ Tri Thức Thế Giới tháng 9-2011, giáo sư Đại học Phúc Đán Trần Kim Minh đã hàm hồ lý giải rằng do lo sợ trước việc Pháp chiếm chín đảo ở quần đảo Trường Sa năm 1933, Chính phủ Trung Hoa dân quốc đã nhanh chóng lập “Ủy ban thẩm định bản đồ biển và đất liền” để thẩm định lại tên các đảo và bãi đá ở khu vực biển Đông bằng hai thứ tiếng Trung Quốc và Anh.
Công việc thẩm định này hoàn tất vào ngày 21-12-1934 và bốn tháng sau đó đã chính thức công bố “bản đồ các đảo ở biển Đông”, xác định đường giới tuyến trên biển của Trung Quốc kéo dài đến vĩ tuyến 4. Sau đó, năm 1936 nhà địa lý học Bạch Mi Sơ đã đưa bản đồ này vào tập bản đồ “Trung Hoa kiến thiết toàn đồ” do ông chủ biên. Song, hình hài của những tấm bản đồ tiền thân này dường như chưa bao giờ được nhìn thấy, thay vào đó chúng chỉ được mô tả qua lời của các truyền nhân Trung Hoa ở Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong.
Tướng hải quân Lâm Tuân (hàng đầu, áo trắng) và các thành viên trên tàu Thái Bình trong cuộc hành quân cưỡng chiếm bất hợp pháp đảo Ba Bình tháng 12-1946 - Ảnh: hudong.com |
Dấu vết quan binh Lâm Tuân
Giới học giả Trung Quốc hiện đang khẳng định: chuyến thị sát biển Đông của Lâm Tuân vào cuối năm 1946 mới chính là tiền đề hình thành cái gọi là bản đồ có đường chữ U ngày nay (tức “đường lưỡi bò”).
Và năm 2011, các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc đồng loạt đưa bài phân tích của giáo sư Lý Kim Minh và Lý Đức Hà thuộc Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến nhất nhất khẳng định tiền thân của “đường lưỡi bò” là tấm bản đồ “11 đoạn”, vẽ vị trí các đảo ở biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Nam Hải) do Sở Phương vực thuộc Chính phủ Trung Hoa dân quốc vẽ năm 1947 và công bố vào tháng 2-1948.
Theo tư liệu của Tân Hoa xã: sau khi trù bị mọi phương án ra khơi, ngày 24-10-1946 đội tàu bốn chiếc Thái Bình, Vĩnh Hưng, Trung Kiến, Trung Nghiệp của hải quân Trung Hoa dân quốc do tổng chỉ huy Lâm Tuân và phó tướng Diêu Nhữ Ngọc đã xuất phát từ cửa sông Hoàng Phố ở Thượng Hải hướng thẳng về Quảng Châu để ra biển Đông, với chiêu bài là giải giới quân Nhật. Ba ngày sau đó, đoàn đội Lâm Tuân đã được lãnh đạo Quảng Đông lúc bấy giờ là La Trác Anh làm tiệc rượu tiếp đón nồng hậu tại cảng Du Lâm của Quảng Châu rồi thẳng tiến ra biển Đông.
Một tư liệu khác từ Hong Kong có thêm tình tiết: sau khi đến Quảng Châu, do thời tiết ở Quảng Châu khi ấy đột ngột chuyển biến xấu nên cả đoàn tàu phải neo đậu tại cảng này đến hơn một tháng. Khoảng 8 giờ sáng 9-12-1946, đoàn tàu chiến bốn chiếc chia làm hai đội đã từ từ rời cảng Du Lâm, hướng thẳng về phía nam. Phó tổng chỉ huy Diêu Nhữ Ngọc chỉ huy hai tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiến tiến xuống quần đảo Hoàng Sa. Tổng chỉ huy Lâm Tuân dẫn đầu hai con tàu Trung Nghiệp và Thái Bình hướng đến quần đảo Trường Sa.
Hai chiếc Vĩnh Hưng và Trung Kiến sau đó đã đến đảo Phú Lâm, đảo chính ở quần đảo Hoàng Sa. Sau khi lên đảo, đoàn người của Diêu Nhữ Ngọc đã đổi tên đảo Phú Lâm thành đảo Vĩnh Hưng.
Còn tổng chỉ huy Lâm Tuân theo tàu Thái Bình hướng thẳng đến quần đảo Trường Sa. Về chi tiết này, giáo sư Lý Kim Minh của Trung Quốc cho rằng gần một tháng sau đó, tháng 12-1946 hai tàu do Lâm Tuân dẫn đầu mới đổ bộ lên đảo Itu Aba (tức đảo Ba Bình của VN) thuộc quần đảo Trường Sa. Lâm Tuân lấy tên con tàu Thái Bình để đặt tên cho đảo này.
Ngoài đoàn thủy thủ, hai con tàu này còn chở theo một số quan chức hành chính của tỉnh Quảng Đông, trong đó có thầy trò Trịnh Tư Duyệt và Tào Hi Mãnh là hai nhân viên của Sở Phương vực thuộc Bộ Nội chính của Chính phủ Trung Hoa dân quốc. Theo tư liệu của Trung Quốc thì hai người này đi theo để làm nhiệm vụ tiếp nhận quần đảo Trường Sa (!?). Ngày 15-12-1946, toàn thể quan binh văn võ đi theo hai tàu này đã có mặt ở đảo này để tiến hành nghi thức dựng bia, tiếp nhận đảo. Đây là một hành động bất hợp pháp, nếu không nói là một sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền của VN.
Bình luận của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc Khi thương nghị với các nước thuộc phe đồng minh về việc giải giới và xử lý đối với Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong Tuyên bố Potsdam đưa ra ngày 24-7-1945 giữa Harry S.Truman (tổng thống Hoa Kỳ), Winston Churchill (thủ tướng Anh) và Tưởng Giới Thạch (tổng thống Trung Hoa dân quốc) đã không yêu cầu “thu hồi” Hoàng Sa và Trường Sa về cho Trung Quốc, vì một lẽ đơn giản là hai quần đảo này không thuộc Trung Quốc. Điều này là lý do giải thích vì sao tại Hội nghị San Francisco 1951 sau đó, các nước đồng minh đã không yêu cầu Nhật Bản trao trả cho Trung Quốc “quần đảo Tân Nam” ( - Shinnan Shoto - Trường Sa) và một phần quần đảo Hoàng Sa mà quân đội Nhật đã chiếm đóng, xây dựng căn cứ quân sự trong Thế chiến thứ hai. Và như vậy, việc đưa tàu chiến ra chiếm đóng Hoàng sa - Trường sa của tướng Lâm Tuân năm 1946 là một cưỡng chiếm bất hợp pháp. |
Theo MỸ LOAN (Tuổi Trẻ)
__________
Điều nghiêm trọng sau chuyến hành quân cưỡng chiếm Hoàng Sa - Trường Sa năm 1946 là: “đường lưỡi bò” đã xuất hiện.
Kỳ tới: “Đường lưỡi bò” được “sáng tác” ra sao ?