Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 1: Manh nha xâm chiếm Hoàng Sa - Trường Sa
Đường lưỡi bò ở đâu ra? - Kỳ 1: Manh nha xâm chiếm Hoàng Sa - Trường Sa
> Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Nên thành lập “Hội nghiên cứu, tuyên truyền Biển Đông”
> Tại sao Mỹ im lặng khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (phần 3)
> Truyền thông Trung Quốc đưa tin bản đồ Trung Quốc 1904
>Các lực lượng "khuấy đục" Biển Đông của TQ: Hải cảnh và cứu nạn (Kỳ 1)
Tư liệu trong suốt chiều dài “lịch sử” kéo từ thời Tần, Hán cho đến sau Thế chiến thứ II (1945), Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được những chứng cứ có thể chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong phần đất của họ.
Trung Quốc cũng luôn tuyên bố có chứng cứ đầy đủ về “đường lưỡi bò” hay còn gọi là đường chín đoạn của mình là hợp lý, song sự thật trớ trêu ẩn chứa trong chính sử sách của nước này cho thấy “cái lưỡi bò” này chỉ được tạo nên từ sự “ngoa ngôn ngụy biện” của phần lớn học giả nước này.
Vậy “đường lưỡi bò” này “bò” từ đâu ra?
Trong khi quần đảo Hoàng Sa nằm ở vĩ tuyến 17,15 độ vĩ bắc và quần đảo Trường Sa ở từ vĩ tuyến 12 đến 8 độ vĩ bắc.
Đô đốc Lý Chuẩn, người được Trung Quốc cho rằng đã “thu phục Tây Sa” bằng pháo hạm năm 1909 - Ảnh: hudong.com |
“Nâng cấp” chuyến đi của Lý Chuẩn
Cương giới của Trung Quốc từ cổ chí kim đều luôn được sử sách địa đồ của họ xác định chỉ nằm tại đảo Hải Nam và không thể vươn xa hơn nữa. Thậm chí, nhiều tài liệu mang tính lịch sử của Trung Quốc còn chứng minh ngược lại rằng Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Thế mà sau này đến thời đương đại, vì lòng tham trong tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, những hậu thế Trung Quốc đã chà đạp sự thật lịch sử đó.
Có thể nói chính quyền Trung Quốc bắt đầu manh nha xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông từ năm 1909 và ngày càng bành trướng mưu đồ này cho đến ngày nay. Báo chí Quảng Châu thời bấy giờ đưa tin vào tháng 6-1909, chính quyền Quảng Đông đã đưa hai pháo hạm loại nhỏ do đô đốc Lý Chuẩn dẫn đầu đi một vòng quanh các đảo nằm phía đông đảo Hải Nam, để rồi vào năm 1932 chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch đã nâng cấp chuyến đi của đô đốc Lý Chuẩn là một dấu mốc thời gian để ấn định chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa.
Chuyến đi của Lý Chuẩn được ghi ngắn gọn là “được lệnh của tổng đốc Quảng Đông và Quảng Tây lúc bấy giờ là Trương Nhân Tuấn, tháng 6-1909 đô đốc Lý Chuẩn dẫn đầu hai chiến hạm Phục Ba và Sâm Hạm cùng 170 quan binh đến “thu phục Tây Sa” (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Trên thực tế, chuyến đi của đô đốc Lý Chuẩn không phải là một chuyến khảo sát hay thị sát như phía Trung Quốc mô tả, cũng chẳng có chuyện thu phục Hoàng Sa như Trung Quốc từng tưởng tượng. Đó chỉ là chuyến đi mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”, không hề lưu dấu hay để lại một dấu tích hoặc luận chứng lịch sử cụ thể trên những điểm mà họ đi qua“.
Thế nhưng, người Trung Quốc cứ thổi phồng và ngụy tạo chứng cứ biến chuyến đi này thành chuyến đi lịch sử nên mỗi giai đoạn có một kiểu mô tả khác nhau. Tờ Đại Công Báo ở Thiên Tân ngày 8-10-1933, tức đến 24 năm sau, đã vẽ thêm rằng đô đốc Lý Chuẩn cùng đoàn đội của ông ta đến Hoàng Sa và đã đo, vẽ cũng như đặt tên cho 16 đảo ở đây. Song ai có thể tin chỉ chưa đầy 24 giờ thì Lý Chuẩn có thể làm hết từng ấy việc ở Hoàng Sa và vì sao phải đến 24 năm sau bút ký này mới được đưa ra? Chỉ có người Trung Quốc nói cho người Trung Quốc nghe.
Bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Hoàng Sa do Pháp xây dựng - Ảnh tư liệu |
Trung Quốc khơi mào tranh chấp Hoàng Sa
Những chứng cứ do phía Trung Quốc đưa ra về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ xác thực cả về mặt lịch sử lẫn pháp lý. Song mưu đồ xâm chiếm thì đã rõ ngay khi Trung Quốc đưa ra luận điểm để bảo vệ cho chuyến thị sát trái phép quần đảo Hoàng Sa năm 1909 của quan binh nước này, cho rằng quần đảo Hoàng Sa là “quần đảo hoang”, trong khi Việt Nam đã có bằng chứng chứng minh được chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa từ thế 17.
Sau chuyến đi của Lý Chuẩn 12 năm, tháng 3-1921 chính quyền quân sự Quảng Đông đã ký một sắc lệnh vô lý sáp nhập Hoàng Sa của Việt Nam vào huyện Châu Nhai, phủ Quỳnh Châu lúc bấy giờ. Rõ ràng hành vi xâm phạm chủ quyền có chủ ý của Trung Quốc đối với Việt Nam diễn ra ngay trong thời kỳ Việt Nam đang bị Pháp xâm lược và mất hết quyền tự chủ về chủ quyền của mình.
Sở dĩ Trung Quốc muốn xâm chiếm Hoàng Sa là vì trước đó trong chuyến thị sát vùng biển này, tàu quan binh nhà Thanh đã phát hiện một nhóm thương nhân người Nhật đang chiếm cứ đảo Pratas nằm gần Hoàng Sa (sau này Trung Quốc gọi là Đông Sa). Trung Quốc không muốn quần đảo Hoàng Sa bị các nước mạnh thời đó nuốt trọn nên đã bắt đầu hoành hành về chủ quyền Hoàng Sa. Đây là mầm mống gây tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Pháp lúc này đang được xem là đại diện cho An Nam (tên gọi Việt Nam lúc bấy giờ). Động thái của Trung Quốc năm 1921 đã khiến Pháp phải nhìn lại, dù tại thời điểm này Trung Quốc chỉ mới xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa trên văn bản.
Trước âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc và sự manh nha xuất hiện của người Nhật trên tuyến đường biển quan trọng “nối liền giữa Hong Kong và Sài Gòn”, liên tiếp từ năm 1925-1930 Pháp đã có những động thái khẳng định chủ quyền không chỉ ở Hoàng Sa mà còn cả ở Trường Sa. Trước hết, đầu tháng 3-1925 toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ của Pháp (tức thuộc về An Nam đang là thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ).
Tiếp đến ngày 13-4-1930, Pháp đã cho tàu La Malicieuse ra Trường Sa để treo quốc kỳ Pháp. Mười ngày sau đó, Chính phủ Pháp đã tuyên bố thực thi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Trước đó ngày 20-3-1930, toàn quyền Đông Dương đã yêu cầu Bộ thuộc địa Pháp “Cần thừa nhận lợi ích của nước Pháp ẩn chứa trong việc thay mặt An Nam thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”.
Mẩu tin đăng trên báo Advertiser ngày 29-6-1909 cho biết Trung Quốc đưa tàu chiến đến quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: trove.nla.gov.au |
Bình luận của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc Cần nhắc lại rằng sau khi thua trận trong chiến tranh Trung - Nhật, nhà Thanh đã ký Hiệp ước Shimonoseki ngày 17-4-1895 (Trung Quốc gọi là Hiệp ước Mã Quan). Theo đó, nhà Thanh nhượng cho Nhật Bản vĩnh viễn chủ quyền đầy đủ của quần đảo Bành Hồ, Đài Loan và phần phía đông vùng biển của bán đảo Liêu Đông cùng với tất cả các tài sản có trên đó như: công sự, kho vũ khí...và khu vực này không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Điều đó có nghĩa hai quần đảo này đã không được xem là thuộc chủ quyền của Trung Hoa (nhà Thanh)! Điều này hoàn toàn phù hợp với việc các bản đồ Trung Quốc vẽ trong thời kỳ này đã xem Hải Nam là vùng cực Nam của Trung Quốc. Mặt khác, qua sự kiện tàu buôn La Bellona của Đức bị chìm vì đá ngầm vào năm 1885 và tàu Himeji của Nhật bị đắm vào năm 1896 đã bị nhà đương cuộc Trung Hoa ở đảo Hải Nam từ chối trách nhiệm cứu vớt với lý do những vùng này không thuộc lãnh hải và quyền quản hạt của Trung Hoa cho thấy chí ít đến cuối thế kỷ 19, nhà đương cuộc Trung Hoa xem những quần đảo này không thuộc về Trung Quốc. |
Theo MỸ LOAN (Tuổi Trẻ)
Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông từ những năm 1930 đã trở nên gay gắt hơn khi có sự nhúng mũi của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch và Nhật Bản.
Những biến cố lớn liên quan đến số phận Hoàng sa, Trường Sa đã xảy ra vào thời điểm này.
Kỳ tới: Nhật bại trận, Trung Hoa “nước đục thả câu”