“Dưới 100 triệu đồng sẽ không có chuyện thi đỗ công chức Hà Nội”
Quan điểm của UBND TP Hà Nội về sử dụng biên chế năm 2013 là tinh giảm biên chế gắn với việc tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ của Thành phố trong giai đoạn mới.
Qua đó năm 2013 tổng biên chế hành chính của Hà Nội là 10.938 biên chế, trong đó biên chế công chức có 9.293 người, lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP: 941 chỉ tiêu, lao động hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế 704 chỉ tiêu. Đối với khối biên chế sự nghiệp là 143.610 biên chế, trong đó biên chế viên chức 121.115 chỉ tiêu (trong đó có 500 biên chế dự phòng), lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP 7.984 chỉ tiêu, định mức lao động 14.511 chỉ tiêu. Khối biên chế các đơn vị sự nghiệp này tăng 4.704 biên chế so với năm 2012.
Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực. Ảnh LD |
Trước những con số trên, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực đưa ra nhận định, nếu không có sự sắp xếp hợp lý thì biên chế không bao giờ giảm được. Ông Dự đưa ra ví dụ, UBND quận Long Biên có 203 biên chế thì khối các phòng ban là 128, nhưng riêng lĩnh vực Thanh tra Xây dựng chiếm 75 – bằng 1/3 tổng biên chế của quận Long Biên. Một ví dụ khác ở huyện Sóc Sơn với tổng biên chế 274 nhưng Thanh tra Xây dựng đã chiếm 124, bằng gần một nửa tổng biên chế của huyện.
“Tôi lấy con số một quận, một huyện như vậy làm ví dụ để chúng ta thấy việc bố trí biên chế như vậy đã hợp lý chưa? Thành phố chúng ta đang đô thị hóa rất nhanh, cần phải quản lý trật tự đô thị thật tốt. Đó là nhận thức đúng đắn, triển khai rất kịp thời của lãnh đạo thành phố. Nhưng triển khai như vậy thì chúng ta sẽ phải đánh giá lại xem Thanh tra Xây dựng các quận, huyện đã đáp ứng được tình hình chưa? Chúng tôi ghi nhận có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Vậy chúng ta có nên đánh giá lại chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ thanh tra xây dựng không?” – ông Dực nêu.
Theo Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội, nếu bố trí thế này thì Thanh tra Xây dựng lên đến 1300 người, chiếm từ 1/3 –1/2 tổng biên chế của một đơn vị. Thử hỏi làm sao chất lượng xử lý các công việc khác đạt yêu cầu.
Chia sẻ về vấn đề thi công chức và phân cấp quản lý, ông Dực đánh giá những năm qua đã thu hút một lượng lao động trẻ được đào tạo rất bài bản, kể cả công lập và ngoài công lập. Những người được tuyển dụng vào được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, theo ông Dực, bên trong và đằng sau việc thi công chức cũng còn nhiều việc phải bàn. “Thi công chức mà bộ phận giáo viên chấm bài, thí sinh làm bài không sai một dấu chấm, dấu phẩy trong đáp án, điểm tối đa 100%... Tôi xin hỏi việc thi công chức chất lượng ra làm sao? Trách nhiệm trong quản lý thi như thế nào?”.
“Tôi cũng là một thành viên phụ trách việc thi công chức của khối Đảng và đoàn thể. Chúng tôi làm rất nghiêm túc, công phu từ ra đề, quản lý đề, phát đề, đến giám sát giáo viên chấm thi. Nhưng lần đầu tiên thi khối Đảng và khối Đoàn chúng tôi đã phát hiện ra hai giáo viên đánh dấu bài của thí sinh để chấm bài. Tôi đã yêu cầu phải kiểm điểm và xem xét trách nhiệm đối với những giáo viên này. Qua đó thấy rằng chất lượng thi công chức của chúng ta không ổn một tý nào” – ông Dực quả quyết.
Chủ nhiệm UBKT còn nói thêm, bên cạnh một số quận huyện tổ chức thi rất tốt vẫn còn những đơn vị chạy để được thi, chạy để được đỗ công chức. “Người ta nói rằng dưới 100 triệu đồng sẽ không có chuyện thi đỗ công chức. Đầu mối tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền chạy của những người thi tập trung vào các vị trưởng phòng nội vụ của các quận huyện. Đây là việc rất đau lòng của lãnh đạo thành phố, nhưng đó là một thực trạng đang tồn tại”.