Đừng “mơ” Mỹ cung cấp khí đốt cho EU
Phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga là điều châu Âu không thể tránh khỏi. |
Trong một bài báo đăng trên tờ “Toàn cầu hóa” (Canada) ngày 19/4, tác giả F. William Engdahl, thuộc Trung tâm nghiên cứu về toàn cầu hóa, khẳng định những tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Obama và Ngoại trưởng John Kerry về việc Mỹ sẽ cung cấp khí đốt cho EU là hoàn toàn sai, chính xác là thể hiện sự tuyệt vọng của Washington trước tình hình Ukraine nhằm chống lại Mátxcơva.
“Sở dĩ như vậy là vì Washington đã mất liên hệ với thực tế và họ không biết mình đã nói gì nữa. Trong cả hai trường hợp, điều này tạo nên một đối tác ngoại giao ít tin cậy đối với EU”, chuyên gia Engdahl nói.
Sau cuộc họp mới đây với các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Obama đã đưa ra một tuyên bố không thể tin nổi. Ông đã nói rằng mối quan hệ đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được thảo luận một cách bí mật sẽ tạo điều kiện để Mỹ cung cấp khí đốt cho châu Âu nhằm giúp châu lục này giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí của Nga.
Trong những tuyên bố khác về sự bùng nổ việc khai thác khí đá phiến tại Mỹ, cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry đều khẳng định Mỹ có thể cung cấp cho châu Âu lượng khí đốt nhiều hơn để thay thế nguồn cung ứng từ Nga.
Thực sự đây là một "lời nói dối đáng xấu hổ". Khi Obama gặp các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels, ông ta đã nói cần phải nhập khí đốt từ Mỹ để thay thế khí đốt của Nga nhưng có những bí mật mà ông Obama và Kerry đã cố tình che giấu.
Trước tiên, cuộc cách mạng khí đá phiến của Mỹ đã thất bại. Sự gia tăng đáng kể việc sản xuất khí bằng cách tạo ra đứt gãy thủy lực (dùng áp lực chất lỏng bên trong để tạo ra các vết đứt gãy để cho dầu hoặc khí thoát ra ngoài), hiện nay đã bị một số công ty dầu khí như Shell, BP loại bỏ do mang lại ít lợi nhuận.
Shell vừa thông báo giảm đáng kể việc sản xuất khí đá phiến và bán lại quyền khai thác trên 300.000 ha mỏ chính tại Texas, Pennsylvanie, Colorado và Kansas, để tránh thua lỗ trong lĩnh vực này.
Theo ông Ben van Beurden, Tổng giám đốc điều hành của Shell, "lợi nhuận từ sản xuất khí đá phiến rất thấp, việc khoan cắt không đơn giản như chúng tôi tưởng".
David Hughes, một nhà phân tích khá nổi tiếng trong lĩnh vực khí đá phiến, trong một nghiên cứu về việc khai thác mỏ trong nhiều năm tại Mỹ, đã tóm tắt về "ảo ảnh" của khí đá phiến như sau: "Trong những năm trước, việc sản xuất khí đá phiến bùng nổ khi nó chiếm tới 40% sản lượng khí tự nhiên của Mỹ và đạt mức cao nhất vào tháng 12/2011. 80% lượng khí đá phiến được khai thác từ 5 vùng nhưng hầu như sản lượng suy giảm. Tình trạng này đòi hỏi việc tiếp tục rót vốn với số tiền 42 tỷ USD mỗi năm để khoan hơn 7.000 giếng mới nhằm duy trì sản xuất. Trong khi đó, lợi nhuận từ khai thác khí đá phiến trong năm 2012 chỉ là 32,5 tỷ đô la".
Như vậy, căn cứ vào thực trạng này, có thế nói, hoặc những cố vấn của Obama đã nói dối ông về tình hình thực tại của khí đá phiến tại Mỹ, hoặc tự Obama đã nói dối. Giả thuyết thứ nhất có vẻ đúng hơn.
Vấn đề thứ hai, đó là việc cung cấp khí cho EU. Điều này đòi hỏi phải xây dựng tại Mỹ cũng như châu Âu hạ tầng cơ sở lớn và đắt tiền như bến cảng khí LNG có khả năng chứa những tàu khổng lồ đi lại giữa hai châu lục. Ngoài ra, do các đạo luật khác nhau của Mỹ về khai thác năng lượng cũng như đòi hỏi trong nước nên hiện vẫn chưa có cảng LNG hoạt động tại Mỹ.
Vấn đề thứ ba, đó là ngay cả khi xây dựng được hạ tầng cảng biển đáp ứng nhu cầu khí của EU để thay thế khí của Nga, thì sẽ khiến giá khí đốt trong nước Mỹ tăng cao đồng thời sẽ chấm dứt đột ngột sự bùng nổ của ngành công nghiệp sản xuất được tạo ra do sự phong phú của khí đá phiến giá rẻ.
Người tiêu dùng châu Âu thì lại phải trả tiền mua khí đốt của Mỹ cao hơn của Nga do việc cung cấp khí đi qua đường ống dẫn chính "Dòng chảy phương Nam" hoặc qua Ukraine. Hơn nữa, cũng không có những con tàu chở dầu khí khổng lồ để chuyên chở LNG cung cấp cho thị trường châu Âu. Nếu mọi việc tiến triển tốt cũng cần 7 năm nữa để làm được điều này.
Về phần mình, EU hiện nay nhập khẩu 30% lượng khí đốt mà nguồn năng lượng chính đến từ Nga. Công ty khí đốt Nga Gazprom cung cấp 14% lượng khí cho Pháp, 27% cho Italy, 36% cho Đức và 100% cho Phần Lan cũng như các quốc gia Baltic. Cho nên EU không hề có giải pháp thay đổi nguồn cung ứng khí từ Nga.
Đức, nền kinh tế số 1 EU cũng đã quyết định một cách “ngu ngốc” khi bỏ nguồn năng lượng hạt nhân của mình và năng lượng thay thế như điện gió, điện mặt trời, là một thảm họa kinh tế chính trị, ngay cả khi năng lượng thay thế chỉ chiếm một phần nhỏ của thị trường chung. Hậu quả : người tiêu dùng phải chịu giá điện tăng.
Tóm lại, ý tưởng của EU từ bỏ khí đốt của Nga để nhập khẩu khí đốt của Mỹ là một điều hão huyền và không có ý nghĩa kinh tế, chính trị và năng lượng.