Dựng hiện trường giả để lừa chồng
Thoạt nghe, tưởng như có một vụ án chấn động, nhưng phía sau đó là một tình huống dở khóc, dở cười.
Sáng 7-5, ông N.V.D (sinh năm 1954, ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) đưa vợ là bà D.T.H. (sinh năm 1958) đến Công an phường Mỹ Thạnh trình báo việc bị mất trộm tài sản. Theo lời khai của bà, khoảng 21 giờ ngày 6-5, khi ra phía trước nhà vệ sinh thì bà bị 3 thanh niên lạ mặt khống chế, dùng dây trói tay ra sau, dùng giấy nhét vào miệng. Sau đó, cả bọn lấy chiếc lắc vàng 24k trọng lượng 3 chỉ cùng đôi bông tai bà H. đang đeo.
“Hiện trường” vụ việc |
Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng đã đến hiện trường, điều tra vụ việc. Tuy nhiên, nhiều tình tiết trong lời khai không hợp lý, không khớp với thực tế. Tại vị trí diễn ra “đụng độ” với nhóm thanh niên theo lời khai của bà H. không có dấu hiệu của sự xô xát, chống trả, dù xung quanh là khu nhà lá, đường đi rất hẹp, trơn trợt. Trong đêm tối, bọn cướp trấn lột vàng của phụ nữ gần 60 tuổi, nhưng trên cơ thể nạn nhân không hề có dấu vết của bạo lực. Có vẻ như bọn chúng đã rất “dịu dàng”, cẩn trọng lột từng món nữ trang trên người? Tờ giấy báo (được cho là dùng để nhét vào miệng) được vò lại, nhưng không lem chữ. Đặc biệt, cơ quan chức năng phát hiện chứng cứ khẳng định sợi dây ny-lon đen dùng để trói bà H. là một vật dụng quen thuộc đã từng có trong nhà bà.
Đến 14 giờ cùng ngày, bà H. xin khai báo lại sự việc: “Ngày 5-5, trên đường đi bán vé số, đến gần cầu Cái Dung, một phụ nữ lạ mặt chạy xe Honda, đeo khẩu trang, kêu tôi lại mua vé số. Sau ít phút nói chuyện qua lại: “Hôm nay bán được không? Một ngày bán lời được bao nhiêu?”, tôi không kiểm soát được hành động của mình nữa. Tôi tự lột chiếc lắc vàng và đôi bông tai đưa cho người phụ nữ ấy. Số tài sản trên là của con gái tôi cho”. Sợ bị chồng con chửi mắng, bà H. tìm cách “giải quyết” sự cố. Tối 6-5, khi ông D. đã ngủ say, bà lén lấy tờ giấy báo và sợi dây ny-lon đen trong phòng ngủ, rồi ra ngoài tự dùng dây trói hai tay mình lại từ phía sau. Chuẩn bị xong xuôi, bà giả vờ té xuống mương, đứng dậy đi lên dùng vai đẩy vào vách để đánh thức ông D., tri hô bị cướp. Mọi người xung quanh chạy đến, hoảng hốt cởi trói cho bà H. và lùng sục “đám cướp” nhưng không thấy. Họ bàn nhau nghỉ ngơi, đợi sáng lên trình báo Công an.
Trước sự chứng kiến của chồng và lực lượng chức năng, bà H. thực hiện lại cách dùng dây tự trói mình. Đồng thời, bà thừa nhận, dù biết rõ hành vi tạo vụ cướp giả và trình báo Công an là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn giả bị cướp tài sản. Do chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính, nên Công an phường đã yêu cầu bà H. viết cam kết không tái phạm. Nhưng chắc chắn, đây sẽ là bài học nhớ đời đối với những người trong cuộc!
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn gặp phải tình huống trớ trêu, bất ngờ nào đó. Vì lo lắng, không muốn ai biết bí mật của mình, hoặc có động cơ thiếu trong sáng, một bộ phận sẽ chọn cách nói dối, ngụy tạo bằng chứng và hiện trường giả để qua mắt mọi người. Nhưng, “giấy không gói được lửa”, chắc chắn một thời điểm nào đó, sự thật sẽ phơi bày ra ánh sáng. Giả sử, việc nói dối được thực hiện trót lọt, nhưng bản thân người nói dối cũng không thể yên lòng, luôn phập phồng lo sợ bị phát giác. Thay vì vậy, hãy chia sẻ cùng người thân, bạn bè hoặc trình báo cơ quan có thẩm quyền để nhờ can thiệp, hỗ trợ khi gặp vướng mắc cần giải quyết. Đừng để những người quan trọng nhất của mình tổn thương vì bị lừa dối. Tài sản mất đi, có thể làm ra, nhưng niềm tin đã mất đi, bao giờ mới lấy lại được?
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình thì hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG/Báo An Giang