Dừng dự án BĐS, phức tạp tứ bề
Dừng dự án BĐS, phức tạp tứ bề
Kiến nghị dừng thi công dự án Nam An Khánh
Cứ theo luật
Trao đổi với PV Infonet, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý Đất đai khẳng định, về quy định đối với việc dừng, thu hồi đất đối với dự án BĐS, Luật Đất đai đã có các quy định cụ thể, rõ ràng.
Mô hình dự án Nam An Khánh. Ảnh: IE |
Theo đó, Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp: Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả; đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.
Không bình luận cụ thể về dự án nào, song ông Đào Trung Chính khẳng định, về quyền lợi của người mua trong các dự án bị thu hồi khi triển khai không hiệu quả, hoặc vi phạm quy định pháp luật về sử dụng đất, thì những khách hàng đã giao dịch mua bán với chủ đầu tư vẫn sẽ được đảm bảo quyền lợi thông qua hợp đồng đã ký, thậm chí nếu thay chủ đầu tư, thì chủ đầu tư mới khi tiếp nhận dự án sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ mà chủ đầu tư cũ đã ký với khách hàng. Các vi phạm sẽ xử lý theo Luật dân sự.
Trước đó, trao đổi với PV Infonet, Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ khẳng định, theo quy định hiện nay, để quyết định thu hồi dự án nếu đất giao sau 12 tháng không được sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng không đúng tiến độ thì Nhà nước thu hồi đất, trừ trường hợp UBND tỉnh cho phép kéo dài trong trường hợp bất khả kháng về sử dụng đất như khủng hoảng kinh tế, thiên tai…
"Tuy nhiên, trên thực tế việc thu hồi không dễ dàng, nhất là khi DN nhận đất đã đầu tư ít nhiều vào đất. Theo quan điểm của tôi nên giải quyết vấn đề này bằng thuế, nếu đất không sử dụng sẽ bị đánh thuế lũy tiến, buộc người giữ đất phải đưa vào sử dụng thì mới có tiền đóng thuế”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
"Sư nói phải, vãi nói hay"
Sau khi vụ việc dự án Nam An Khánh, một dự án khu đô thị mới một thời nổi như cồn, là tâm điểm chú ý của giới đầu cơ, khiến giới DN đầu tư, kinh doanh BĐS thèm khát, đã bị Thanh tra Chính phủ làm văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc dừng thi công, đã khiến một số nhà đầu tư đã mua sản phẩm từ dạ án này lo lắng.
Tuy nhiên, rất nhanh chóng, ngày 24/10, Công ty Sudico đã đưa ra báo cáo dài 4 trang giải trình về các kết luận và kiến nghị xử lý của Thanh tra chính phủ đối với công ty.
Theo văn bản giải thích từ phía Sudico, trong thời gian khoảng 2 năm (2004-2006) từ khi Thủ tướng giao cho Tập đoàn Sông Đà đến khi có Nghị quyết chuyển nhượng của HĐQT Tổng Công ty Sông Đà cho Sudico, đã có nhiều văn bản ban hành liên quan đến dự án mà không được Thanh tra Chính phủ đề cập.
Điển hình, trước thời điểm tháng 7/2003, tiền thân của Sudico là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Sông Đà. Tại thời điểm cổ phần hóa, hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp đã tính đầy đủ các lợi thế của các dự án hiện có và đang là cơ hội, để đầu tư vào giá trị doanh nghiệp (bao gồm cả dự án Nam An Khánh).
Thứ hai, trên cơ sở đề nghị của Tổng Công ty Sông Đà, UBND tỉnh Hà Tây - hồi tháng 7/2003 đã có văn bảo số 2241 đồng ý việc Tổng Công ty Sông Đà giao Công ty Sudico làm chủ đầu tư dự án.Về việc chuyển giao làm chủ đầu tư dự án và việc xác định chủ đầu tư khi chuyển sang công ty cổ phần, Sudico viện dẫn văn bản trả lời của Bộ Tư pháp ngày 12/12/2005 và văn bản ngày 23/12/2005 của Bộ Tài chính.
Trong đó nêu rõ "không có quy định nào cấm việc chủ đầu tư là Tổng Công ty chuyển giao cho doanh nghiệp là đơn vị thành viên của mình làm chủ đầu tư dự án" và "công ty cổ phần được chủ động sử dụng toàn bộ tài sản, tiền vốn đã cổ phần hóa để tổ chức sản xuất kinh doanh; kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa...
"Ngày 22/12/2005, UBND tỉnh Hà Tây đã có văn bản chấp thuận giao cho Công ty Sudico trực tiếp làm chủ đầu tư dự án. Tiếp đến, ngày 4/4/2007, tỉnh này đã có quyết định chính thức giao 181,8 hecta đất đã tạm giao trước đó và bổ sung thêm 5,77 ha cho Sudico.
Sudico cho rằng, việc ký hợp đồng với Tổng Công ty Sông Đà thực hiện dự án Nam An Khánh ở đây là góc độ hợp tác đầu tư và lợi ích, giá trị mà Tổng Công ty Sông Đà đạt được là 155 tỷ đồng, chứ không phải là việc chuyển nhượng dự án giữa hai bên.
Bởi lẽ Sudico đã làm chủ đầu tư dự án trên cơ sở văn bản của UBND tỉnh Hà Tây.
"Việc dùng biện pháp hành chính yêu cầu tạm dừng hoạt động của các dự án đầu tư đang triển khai tại công ty cổ phần mà cổ đông Nhà nước không nắm chi phối là không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hay các quy định hiện hành" - trích văn bản của Sudico.
Người mua là thiệt nhất
Đa số các dự án BĐS chậm tiến độ. Ảnh minh họa |
Trong khi một dự án kéo dài, chậm tiến độ, thậm chí bị dừng, thu hồi, dù lỗi do chủ đầu tư, hoặc bất cứ ý do nào khác, thì người gánh hậu quả thiệt thòi vẫn luôn luôn rơi về phía người mua.
Bởi chủ đầu tư luôn có lý do giải thích khá thuyết phục đối với một dự án kéo dài, chậm tiến độ.
Cụ thể, với dự án Nam An Khánh, chưa rõ hồi kết ra sao, kết quả đúng sai thế nào, nhưng xem ra thông tin lùm xùm xung quanh việc tiếp tục hay không, trước mắt ảnh hưởng tức thì đến người mua nhà, đất tại dự án này.
Thiên Giang