Đứng chờ để xem mặt không đáng sợ bằng hôn ghế, khóc lóc thảm thiết với thần tượng
Hàng nghìn bạn trẻ xếp hàng chen nhau chờ gặp mặt thần tượng tại TP.HCM. |
Ngày 10/9, nam diễn viên Hàn Quốc Ji Chang Wook đã đến TP.HCM theo lời mời của một ca sĩ Việt Nam. Tài tử 32 tuổi dự kiến sẽ xuất hiện trong buổi giao lưu ngay với khán giả khi vừa xuống sân bay.
Tuy nhiên, vào gần giờ diễn ra sự kiện, phía đại diện ban tổ chức bỗng hủy sự kiện giao lưu giữa Ji Chang Wook và người hâm mộ. Lí do trước đó khi chứng kiến quá đông người tụ tập chào đón, cá nhân Ji Chang Wook cũng như ban tổ chức sự kiện lo ngại xảy ra vấn đề an ninh, nên buộc phải hủy buổi gặp gỡ dù mọi công tác chuẩn bị đã... sẵn sàng.
Trong nỗ lực được nhìn thấy thần tượng của mình, hàng nghìn bạn trẻ hâm mộ tại TP.HCM đã đổ về địa điểm tổ chức sự kiện, với mong muốn được gặp thần tượng. Số fan này đã vây kín nơi tổ chức, làm tắc nghẽn giao thông cả một đoạn đường ở trung tâm quận 1, TP.HCM.
Lực lượng an ninh đã phải xử dụng cả các biện pháp mạnh để trấn áp đám đông quá khích như: hú còi báo động, sử dụng bình chữa cháy, thậm chí cả dùi cui chích điện để giản tán... nhưng đám đông vẫn nán lại trên đường phố, khiến tuyến phố này ùn tắc kéo dài tới vài giờ đồng hồ.
Đây không phải lần đầu bạn trẻ Việt Nam săn đón và chờ đợi các thần tượng của mình tạo ra những khung cảnh hỗn loạn. Được biết, mỗi khi có chương trình đón thần tượng từ xứ Kim chi, các bạn trẻ sẵn sàng bỏ ra 5-7 triệu đồng mua vé, chờ đợi từ trưa nắng đến tận đêm khuy chỉ để gặp cho được thần tượng của mình.
Khi nhìn thấy thần tượng "bằng xương bằng thịt", các ngôi sao K-pop là các fan bắt đầu gào thét đến khản cổ, khóc lóc, thậm chí có những hành động hết sức "kì quặc" dưới con mắt của những người bình thường.
Nhiều người thắc mắc, tại sao giới trẻ lại có thể tập trung hàng nghìn người chỉ để đứng và chờ đợi gặp mặt thần tượng. Và thần tượng của những bạn trẻ ấy là một diễn viên, ca sĩ đến từ hải ngoại hay khu vực Đông Á mà không phải là một nhà khoa học, nhà trí thức nào đó?
Phân tích dưới góc độ tâm lý, TS tâm lý học Bùi Hồng Quân – TP.HCM cho rằng: Sự việc cả nghìn bạn trẻ đứng vây quanh một khách sạn, chờ đợi để được nhìn mặt thần tượng của mình diễn ra vào ngày 10/9 vừa qua cũng chưa đến mức lệch chuẩn về tâm lý. Trường hợp khóc lóc khi gặp thần tượng, hôn thần tượng, thậm chí hôn lên chiếc ghế thần tượng vừa ngồi mới thực sự... đáng báo động.
Tiến sĩ Quân cho biết, từ trước tới nay ở bất cứ quốc gia nào thì một bộ phận giới trẻ đều có thần tượng và đa phần họ thường chọn thần tượng cho mình là những ngôi sao ca nhạc, diễn viên, cầu thủ bóng đá nhiều hơn các nhà khoa học, tri thức hay chính trị gia...
Ước mơ gặp thần tượng của giới trẻ hoàn toàn hợp với tâm lý của bất cứ ai, bởi họ thích điều gì, đam mê gì thì họ sẽ có thần tượng ở lĩnh vực đó và muốn gặp gỡ, thậm chí ôm hôn hay có những hành động được coi là "phát cuồng" trước thần tượng cũng là điều... bình thường.
Tuy nhiên, những hành vi sẽ trở nên rất phản cảm và đáng xấu hổ nếu các fan lại đi hôn ghế thần tượng vừa ngồi; kêu la gào khóc, quấy đạp như "lên đồng", ngất xỉu do chen lấn chỉ để gặp người "trong mộng"... thì cần lên án, vì đó là hành vi bỏ quên lòng tự trọng của mình.
Những trường hợp này, có thể khi sự kiện qua đi họ sẽ tự nhìn lại mình và đánh giá bản thân. Nếu là một fan lành mạnh, họ sẽ biết có nhiều cách có văn hóa và tự trọng để bày tỏ tình cảm chứ không phải cứ nhất thiết gào khóc, la hét, rũ rượi... như những hình ảnh báo chí từng phê phán.
Việc thần tượng người khác (đặc biệt là các ngôi sao ca nhạc, bóng đá...) là hoàn toàn bình thường, nhưng để tạo ra những fan cuồng "lệch chuẩn" thì đó lại là trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong công tác giáo dục thế hệ trẻ.
TS Quân phân tích, nếu bố mẹ quá nuông chiều nhưng lại ít dành thời gian tìm hiểu, quan tâm đến con, đồng thời không đủ làm thần tượng của con em mình, không khiến con cái cảm thấy tin tưởng và có thể chia sẻ thì việc các em phải đi thần tượng "người ngoài" cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, việc để các em nhỏ rơi vào tình huống say mê thần tượng quá mức, tới mức lơ là học hành, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống cũng là điều phụ huynh cần lưu ý. Do đó, môi trường giáo dục, môi trường gia đình cần dành cho trẻ có nhiều không gian hoạt động thể chất, tư duy và khám phá chính bản thân, thì các em sẽ có được sự cân bằng trong cuộc sống.
"Thực tế, nhiều trẻ hiện nay chỉ biết học, không biết việc gì khác, không được trang bị những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, thiếu sự tự tin về bản thân, không xây dựng được hình ảnh của chính mình, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hấp dẫn nhất thời bên ngoài, từ đó cũng không biết phân biệt hay chọn lựa thần tượng cho chính mình cũng là điều dễ hiểu", TS Quân kết luận.