Đức nhận ra sự thất bại của chính sách trừng phạt chống lại Nga
Chính phủ Đức phải thừa nhận rằng chính sách trừng phạt chống lại Nga đã thất bại.
Nhận định trên của ông Armin-Paulus Hampel, người phát ngôn chính sách đối ngoại của nhóm nghị sĩ thuộc Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) nói với RT hôm 8/12 .
“Chính phủ Đức phải thừa nhận rằng ở đây, cũng như trong nhiều cuộc xung đột khác có sự tham gia của chúng tôi, sự tham gia này chẳng dẫn đến đâu cả. Chính sách trừng phạt đối với Nga đã thất bại”, ông Hampel nói.
Đức nhận ra sự thất bại của chính sách trừng phạt chống lại Nga. (Ảnh: Global Look Press) |
Ông Hampel cũng chỉ ra rằng an ninh và ổn định của châu Âu chỉ có thể thực hiện được khi có sự tham gia của Nga. Đồng thời, ông nhấn mạnh chính quyền Đức sẽ tốt hơn nếu phát triển quan hệ với Nga.
Ngoài ra, ông Hampel cho rằng đại diện của phe này sẽ tới Moscow để mở ra một “chương mới trong quan hệ giữa Đức và Nga”.
Trước đó, đại diện Bộ Năng lượng Đức Anna Sophie Eichler cho biết Berlin bác bỏ các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ, có thể nhằm vào các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).
Hôm 7/12, được biết lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh ngày 10-11/12 sẽ gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga trong 6 tháng. Các biện pháp trừng phạt áp đặt trước đây đối với Nga sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/1/2021.
Theo các nguồn tin, các đại biểu của AfD sẽ đến Moscow vào ngày 8/12 và sẽ gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov lưu ý rằng chuyến thăm của phái đoàn Đức tới Điện Kremlin được coi là quan trọng.
Mới đây, Điện Kremlin vừa ra sắc lệnh kéo dài hiệu lực của các biện pháp trừng phạt phương Tây. Động thái này được xác định là nhằm bảo vệ chủ quyền của Nga trước những “hành động không thân thiện”.
Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh gia hạn hiệu lực của các biện pháp hạn chế nhằm đáp trả phương Tây đến tháng 12/2021.
Văn bản này có đoạn: “Kéo dài từ ngày 1/1 - 31/12/2021 hiệu lực của một số biện pháp kinh tế đặc biệt được quy định trong sắc lệnh số 560 của Tổng thống Liên bang Nga ngày 6/8/2014 về việc áp dụng một số biện pháp kinh tế đặc biệt nhằm đảm bảo an ninh của Liên bang Nga”.
Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ đã được hướng dẫn để đảm bảo theo thẩm quyền của mình thực hiện các biện pháp cần thiết để thi hành sắc lệnh.
Theo Điện Kremlin, mục đích của sắc lệnh này là nhằm bảo vệ chủ quyền của Nga trước những “hành động không thân thiện” từ Mỹ và các quốc gia khác thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế và chính trị đối với nước Nga.
Được biết, sau khi phương Tây và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine hồi 2014 và việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea, Điện Kremlin đã cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ EU và Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn các biện pháp hạn chế Moscow đưa ra là đáp trả về mặt ngoại giao.
‘Nạn nhân thực sự’ trong cuộc chiến chống lại Nord Stream 2 của Mỹ
Ông Sergei Markov, Giám đốc Viện nghiên cứu chính trị Nga và là thành viên của Tòa thị chính Liên bang Nga cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RT rằng Berlin sẽ “chiến đấu trong tuyệt vọng” với Nord Stream 2, bất chấp hành động của Washington.
Thanh Bình (lược dịch)