"Đưa tới cho độc giả cái họ thực sự muốn đọc"
P.V: Xin chào ông! Hiện nay, suy thoái kinh tế đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Với vai trò của người lãnh đạo trong cơ quan quản lý báo chí về mặt tư tưởng, ông nhận định về thực trạng này như thế nào và Ban Tuyên giáo đã đưa ra những định hướng gì cho báo chí phát triển trong thời gian tới?
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Suy thoái kinh tế toàn cầu và sự phát triển của internet đã tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp báo chí trên toàn thế giới, trước hết là báo in truyền thống. Nhiều tờ báo tên tuổi hàng đầu thế giới đã phải đóng cửa.
Năm 2008, Tập đoàn Tribune, 1 trong 3 đại gia truyền thông của Mỹ đã phải tuyên bố phá sản. Năm 2009, Sun Times Media Group, một trong những công ty báo chí có quy mô lớn ở Mỹ cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Năm 2012, New York Times, tập đoàn truyền thông đa phương tiện hàng đầu của Mỹ cũng phải sa thải hàng trăm nhân viên và hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng 16 tờ báo thuộc sở hữu của mình cho Tập đoàn Halifax Media Holdings. Cũng năm 2012, Newsweek, tạp chí mà chỉ vài năm trước đó còn có lượng phát hành lên đến 4 triệu bản đã tuyên bố ngừng bản in để chuyển sang bản điện tử. Tại châu Âu, Financial Times Deutschland, Thời báo Tài chính thuộc Tập đoàn Bertelsmann, tập đoàn truyền thông hàng đầu của Đức phải đình bản, một công ty truyền thông lớn khác - Frankfurter Rundschau cũng đệ đơn xin phá sản.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng đang lan rộng đó, chính phủ nhiều nước đã có các động thái hỗ trợ báo in. Ở Anh, Canada và Australia, hàng nghìn phóng viên đã trở thành công chức nhà nước, làm việc trong các hãng báo chí do chính phủ sở hữu. Ngoài ra, các chính phủ cũng hỗ trợ ngành báo chí dưới các hình thức như giảm bưu phí ở Mỹ, Pháp; không đánh thuế giá trị gia tăng ở Anh. Về phần mình, để tiếp tục tồn tại và phát triển, các báo đang nỗ lực tái cấu trúc, giảm thiểu chi phí đầu vào; tập trung vào khu vực sinh lãi; tự làm mới và xây dựng phong cách riêng biệt về nội dung theo phương châm: “đưa tới cho độc giả cái họ thực sự muốn đọc, không phải cái mà các tờ báo nghĩ rằng họ nên đọc”.
Báo chí Việt Nam không nằm ngoài quy luật này. Những năm qua, đặc biệt từ năm 2011 trở lại đây, khi mà những tác động tiêu cực của tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế trong nước lên các mặt đời sống xã hội ngày càng sâu sắc, hoạt động báo chí gặp nhiều khó khăn, kéo theo không ít hệ lụy phức tạp nảy sinh, rõ nét nhất là khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy, xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động của một số tờ báo và tình trạng xuống cấp đạo đức nghề của một bộ phận người làm báo.
Khắc phục những biểu hiện tiêu cực đó, cần một hệ thống giải pháp từ hoạch định chính sách đến thể chế hóa và tổ chức thực hiện; từ các cơ quan chỉ đạo, quản lý, đến các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và bản thân mỗi người làm báo. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có 2 giải pháp quan trọng trên hết và trước hết là tập trung thực hiện, là nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo. Trong đó, việc nhận thức rõ những tác động nhiều mặt của kinh tế thị trường đối với hoạt động báo chí là một trong những yêu cầu đầu tiên nhằm điều chỉnh phương cách lãnh đạo và quản lý báo chí một cách sát hợp. Cùng với đó, cần chú trọng cải tiến cơ chế cung cấp thông tin và định hướng thông tin cho báo chí, tránh hiện tượng công tác định hướng đi sau thông tin báo chí.
Các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về báo chí. Để đảm bảo tính khoa học, công việc này cần được triển khai trên tinh thần nhận thức rõ tính chất đặc thù của công tác báo chí cũng như hoạt động tác nghiệp của nhà báo; phân biệt rõ đặc điểm từng loại hình báo chí, cơ quan báo chí… gắn với quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Về phía mình, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần chủ động quan tâm hơn nữa tới quá trình tác nghiệp của phóng viên, quy trình biên tập xuất bản báo của các tòa soạn để khắc phục một cách cơ bản sai sót, khuyết điểm như đã xảy ra trong thời gian qua.
P.V: Ông vừa nói đến vấn đề xuống cấp đạo đức của một bộ phận người làm báo. Trong cương vị của mình, ông nhận định về vai trò của công tác tư tưởng, văn hóa trong đời sống xã hội hiện nay như thế nào?
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới đã khẳng định: “Công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là vũ khí sắc bén nhằm tuyên truyền, cổ vũ, tập hợp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân theo Đảng làm cách mạng”. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” mà tới đây Trung ương Đảng sẽ tiến hành tổng kết cũng khẳng định “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo văn hoá là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững”. Đó là nhận thức về vai trò của công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng mang tính chiến lược mà cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị.
Để công tác tư tưởng - văn hóa làm tốt sứ mệnh của mình, trách nhiệm là của toàn xã hội, trong đó đảng viên làm công tác tư tưởng - văn hóa có vai trò “đầu tàu”. Để “đầu tàu” này phát huy hiệu quả, yêu cầu đối với những người làm công tác tư tưởng, văn hóa là: thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Phải xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức chính trị trong sáng, tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó với nhân dân. Phải chú trọng tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, góp phần giải đáp những vấn đề bức xúc nẩy sinh từ thực tiễn cuộc sống; chú ý đến vai trò của công tác tư tưởng trong định hướng tư tưởng toàn xã hội; vai trò của công tác văn hóa - văn nghệ hiện nay.
P.V: Gần đây, nổi lên nhiều sự việc mang tính chất suy đồi đạo đức trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Ông có thể lý giải một phần nguyên nhân và quan điểm của Ban Tuyên giáo trong lĩnh vực định hướng báo chí về những vụ việc tiêu cực trong xã hội, tránh tình trạng lợi dụng thông tin để giật gân câu khách theo kiểu “lá cải”?
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Chúng ta không có báo “lá cải” nhưng thông tin “lá cải” trên báo thì không thiếu. Báo chí của các quốc gia có ngành công nghiệp báo chí phát triển không có tình trạng này; luôn tồn tại một ranh giới rõ ràng giữa quyền của báo chí và khả năng xâm phạm đời tư, nhân phẩm con người. Ví dụ việc bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân, quá nhiều báo lợi dụng khai thác thông tin riêng tư, nhất là thông tin liên quan đến gia đình thủ phạm và nạn nhân. Đó là cách làm báo với tầm văn hóa thấp và thiếu chuyên nghiệp.
Trên thực tế, xu hướng thị trường, giật gân câu khách để bán được nhiều báo, hay đưa lên sóng phát thanh, truyền hình những thông tin hoặc những phim ảnh không lành mạnh đang lan rộng một cách đáng lo ngại. Báo chí là một sản phẩm đặc biệt, là một thứ hàng hoá đặc biệt, nó tác động đến tư tưởng, tình cảm và chân lý của đại chúng nên không thể thuần tuý như các hàng hoá khác. Bởi vì trong công chúng có người có trình độ nhận thức, văn hoá, thẩm mỹ còn hạn chế cho nên họ dễ dãi, nhưng báo chí không thể chiều theo một bộ phận như vậy để đưa ra những sản phẩm làm ảnh hưởng đến lợi ích của đa số, đặc biệt là giới trẻ.
Đây là vấn đề mà những người làm báo phải luôn luôn nghĩ đến. Khi đưa sản phẩm ra thì phải nghĩ sản phẩm của mình là có ích, hướng tới cái Chân - Thiện - Mỹ, hướng tới điều tốt đẹp, chứ không phải đọc xong để rồi nhìn cuộc sống tăm tối, u ám hơn, thậm chí hạ thấp con người, hạ thấp những giá trị nhân văn của con người là không được.
Người làm báo, các cơ quan báo chí trước hết phải có lòng tự trọng, phải tôn trọng thể diện của mình, tôn trọng thể diện tờ báo, tạo nên thương hiệu tờ báo của mình, không nên để tờ báo của mình là một thứ để rao bán trên đường bằng chuyện cướp, giết, hiếp… để người ta mua báo. Tôi tin là, có bán được báo cho số người mua như thế thì khoản tiền cơ quan báo chí thu được có lẽ cũng không lớn. Nhưng cái mà tờ báo mất đi thì lớn.
Về phía các cơ quan chỉ đạo, quản lý, trong thời gian tới, nếu những cơ quan báo chí nào mà chỉ chú ý đến lợi ích của mình, lợi ích của một bộ phận mà quên đi, thậm chí là vi phạm, chà đạp lên lợi ích của đại đa số công chúng, không tính đến lợi ích của đất nước thì chắc chắn sẽ bị xử lý, mà sự xử lý ấy tôi tin là xã hội sẽ đồng tình.
P.V: Ngoài vai trò là nhà quản lý về tư tưởng, văn hóa, nhiều người biết về PGS với nhiều tác phẩm văn thơ. Gần đây nhất là vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” của ông do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn. Công việc bận rộn, ông thường sáng tác vào khi nào?
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Có nhà văn nói: “Văn chương cũng giống như chuyện tu hành, có trăm đường đi tới cửa phật. Người ta có thể viết với bất cứ lý do gì, miễn là chân thật, nhiệt tình”. Tôi tâm đắc câu nói này và thấy rằng, nếu bạn có tình yêu với văn chương thì dù bận rộn đến đâu, thời gian dành cho văn chương sẽ tự tìm đến bạn.
Riêng về “Chuyện tình Khau Vai”, ý tưởng về một tác phẩm sân khấu khắc họa nét văn hóa đặc sắc “Chợ tình” của các dân tộc vùng cao tại Hà Giang đã được tôi ấp ủ trong nhiều năm. Mỗi lần có dịp lên công tác tại Hà Giang, tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian, tìm gặp bạn bè, đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu am hiểu về nét văn hóa này nhằm tìm kiếm, sưu tầm tư liệu chuẩn bị cho tác phẩm. Ý tưởng trọn vẹn về tác phẩm mới định hình và tôi cũng không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành. Có lẽ chính câu chuyện tình yêu nhuốm màu bi kịch nhưng đầy chất thơ đã tạo nên nguồn cảm hứng để tôi hoàn thành tác phẩm dưới hình thức một câu chuyện thơ. Chuyển thể sang cải lương, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên đã chuyển tải được vẻ đẹp đó với hơi thở mới, tiết tấu mới, quan niệm mới.
P.V: Xin cảm ơn PGS! Xuân mới, xin kính chúc ông và gia đình Sức khỏe - An khang - Thịnh vượng!