Dư chấn
Thủ tướng TQ Lí Khắc Cường ở hiện trường vụ Thiên Tân. Ảnh: Reutes/CNN |
Nếu không có vụ nổ làm chấn động thế giới và Trung Quốc hôm 12 tháng 8 vừa rồi, hẳn là công chúng sẽ không thể biết được những ông chủ thật của Công ty Tianjin Rui Hai International Logistics ở Thiên Tân.
Một bản tin chính thức của Tân Hoa Xã cho biết, 2 người chủ thật của công ty này là Yu Xuewei, 41 tuổi, cựu lãnh đạo công ty hoá chất nhà nước Sinochem, giữ 55% trong công ty Ruihai. Ông này thậm chí vẫn đang là uỷ viên hội đồng quản trị của công ty Tianjin Port Sinochem Dangerous Goods Logistics , một công ty con của Sinochem. Người chủ kia là Dong Shexuan, 34 tuổi, giữ 45% cổ phần trong công ty, là con trai của cảnh sát trưởng Thiên Tân Dong Peijun - đang bị điều tra về tham nhũng nhưng đã chết năm 2014.
Trong khi Yu Xuewei "nhờ" một người bà con đứng tên trong công ty, thì Dong đã nhờ một người bạn học đứng tên hộ cổ phần của anh ta. Về giấy tờ, công ty này thuộc về LiLang và Shuzen.
Yu nói với Tân Hoa Xã rằng anh ta gặp Dong Shexuan ở một bữa ăn tối năm 2012, anh ta có quan hệ tốt với cảng Thiên Tân bởi bố anh ta là cựu cảnh sát trưởng. Còn Dong thì mang vào mối liên minh này, "Quan hệ/guanxi của tôi là cảnh sát và cơ quan phòng cháy, khi chúng tôi cần phải kiểm tra công tác phòng cháy, tôi đến gặp cán bộ cảng Thiên Tân về phòng cháy, tôi đưa tài liệu cho họ, và họ nhanh chóng phê chuẩn". Khi họ lập công ty Ruihai, "Công ty giám định an toàn đầu tiên nói rằng nhà kho của chúng tôi quá gần khu dân cư, chúng tôi tìm đến công ty thứ hai và có được mọi tài liệu cần thiết" - Dong Peijun nói.
Chuyện ấy xảy ra ở Trung Quốc, nhưng hẳn là không quá xa lạ ở Việt Nam.
Đã có chuyện những đoàn xe được ưu ái nhờ "quan hệ" với những người khác nhau, những lời đồn đại về mối quan hệ giữa các công chức trong chính quyền với các doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý. Việc một công ty nào đó được lập ra rồi một số cán bộ, viên chức trong cơ quan quản lý lĩnh vực ấy được mời giữ một phần vốn cũng không hẳn là hiếm. Đã có không hiếm trường hợp quan chức sau khi nghỉ khỏi cơ quan công quyền mới công khai địa vị của mình trong một doanh nghiệp, cũng chẳng lạ khi những lời đồn đại âm thầm vẫn lan truyền về những doanh nghiệp sân sau.
Nếu những quy phạm về quản lý cháy nổ và độc hại, về an toàn với doanh nghiệp hậu cần hoá chất và chất độc được tuân thủ, có thể một vụ nổ như ở Thiên Tân sẽ tránh được, hoặc hậu quả sẽ không khủng khiếp như chúng ta thấy. Nhưng sự dính dáng của những người liên đới đã vô hiệu những quy định ấy, chỉ đến khi hậu quả đến, thì mới giật mình.
Chắc chắn, không thể chỉ chờ đợi ở những lời kêu gọi, mà còn cần có những quy định ngặt nghèo, để có thể ngăn chặn được việc các công chức, viên chức tham gia những hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực của họ quản lý, bởi những mối quan hệ và lợi ích cá nhân ấy sẽ làm xói mòn sự nghiêm túc của các quy phạm pháp luật và những lợi ích của xã hội sẽ bị bỏ qua và xâm phạm. Ở mức độ thấp, những mối liên kết ấy sẽ làm ảnh hưởng và méo mó thị trường và hạn chế phát triển của các doanh nghiệp, ở mức độ cao hơn, sẽ có thể là những hậu quả khôn lường như vụ nổ ở Thiên Tân.
Và đợi để đến khi những vụ nổ xảy ra và ngồi tính đếm dư chấn, hẳn là đã quá muộn.