Dự án "một căn hộ bán cho nhiều người": Sẽ xem xét chứng cứ mới
Vì sao đình chỉ vụ án?
Chiều 6/7, khoảng 30 khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư Gia Phú (số 68 đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) đã kéo đến trụ sở Viện KSND TP.HCM tiếp tục khiếu nại về quyết định hủy bỏ khởi tố vụ án có dấu hiệu lừa đảo của chủ đầu tư là Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú (Công ty Gia Phú).
Những khách hàng này cho rằng hành vi bán một căn hộ cho nhiều người của Công ty Gia Phú có dấu hiệu của tội lừa đảo khá rõ ràng. Tuy nhiên nhiều năm qua, vụ án vẫn không được giải quyết thấu đáo khiến họ rất khổ sở khi bị mất tiền mà không có nhà ở.
Bà Chiếm Thị Tường Hạnh (ngụ quận Bình Thạnh) đứng đơn đại diện cho hàng trăm người mua căn hộ tại dự án này cho biết, tháng 6/2014, sau khi nhận đơn tố cáo, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM đã điều tra và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vào ngày 25/4/2015.
Quyết định thể hiện rõ, căn cứ đơn của công dân tố cáo bà Đoàn Thị Hoàn My (SN 1983, ngụ quận 3) cùng chồng là ông Nguyễn Hùng Nghiêm (SN 1976) có hành vi chiếm đoạt tài sản và kết quả, tài liệu điều tra ban đầu của Công an quận Thủ Đức, Công an TP.HCM; Sau khi xác minh, Trung tá Võ Hữu Nghĩa – Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra ký quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sau đó, ngày 21/12/2015 cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời chuyển hồ sơ sang Viện KSND Thành phố đề nghị phê chuẩn các quyết định này.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, tới tháng 9/2016, bà và những người tố cáo “ngã ngửa” khi nhận được thông báo của công an nói rằng Viện KSND Thành phố đã ra văn bản huỷ quyết định khởi tố bị can và không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm.
Thông báo công an TP.HCM trả lời bà Hạnh có nói rõ lý do: “Ông Nguyễn Hùng Nghiêm vẫn còn 16 căn hộ và 3 sàn thương mại tổng giá trị gần 82 tỷ đồng chưa bán; 10 căn hộ còn lại chưa thể hiện rõ. Nghiêm khai những căn hộ bán trùng là do thiếu tiền kinh doanh nên phải đi vay của chủ nợ, không có tiền trả chủ nợ nên chủ nợ ép phải ký bằng hợp đồng mua bán. Do vậy không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm”. Trên cơ sở đó, Công an TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ vụ án.
Tại buổi tiếp xúc với các hộ dân chiều 6/7, ông Đoàn Tạ Cửu Long – Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM cho biết, việc huỷ các quyết định khởi tố là căn cứ theo kết luận của cơ quan điều tra. Trong giai đoạn này, nếu người dân cung cấp thêm các chứng cứ mới Viện sẽ xem xét khởi động lại vụ án.
Đất Xanh Đông Á “phủi tay”
Trước việc vụ án không được giải quyết đến nơi đến chốn, bà Hạnh và những người đã trót bỏ tiền mua căn hộ tại chung cư Gia Phú lại một phen điêu đứng. Tiền đã đóng, nhà không thấy đâu, còn chủ đầu tư thì “lặn mất tăm”.
Theo bà Hạnh, trong suốt quá trình từ lúc người mua nhà tố cao đến nay đã hơn 3 năm nhưng chưa một lần nào vợ chồng ông Nghiêm – bà My tiếp xúc với mọi người, giải thích lý do bán trùng căn hộ hay có phương án nào bồi hoàn tiền cho người mua cũng như có tiếp tục triển khai dự án hay không?
Thậm chí, Sở Xây dựng Thành phố đã đứng ra làm việc với các đơn vị muốn chuyển nhượng dự án chung cư Gia Phú nhưng ông Nghiêm lại không hợp tác. Còn lý do để Viện KSND Thành phố không khởi tố vụ án chỉ dựa vào lời khai của ông Nghiêm mà chưa thẩm tra tính xác thực là không khách quan.
Vụ lừa đảo xảy ra tại chung cư Gia Phú còn có bên liên quan là đơn vị môi giới, Công ty Cổ phần Đất Xanh Đông Á (trước đây là công ty liên kết của Tập đoàn Đất Xanh). Công ty này phân phối hàng chục căn hộ tại dự án này. Đáng nói, có nhiều căn hộ, Công ty Gia Phú đã bán cho khách hàng và đã thu tiền đầy đủ nhưng sau đó lại giao cho Đất Xanh Đông Á bán tiếp.
Anh Lê Đức Duy (quê Bình Định) cho biết anh mua căn hộ ở dự án Gia Phú từ Đất Xanh Đông Á từ tháng 6/2013 với giá trị 858 triệu đồng. Đóng được 430 triệu đồng thì mới hay “dính quả lừa” khi có 3 người khác cùng bỏ tiền ra mua căn hộ của anh.
“Cứ nghĩ Đất Xanh Đông Á là doanh nghiệp làm ăn uy tín, không ngờ từ đó đến nay đơn vị phân phối này cứ đùn đẩy trách nhiệm cho chủ đầu tư. Khách hàng nhiều lần kéo đến trụ sở công ty cũng không ăn thua, thậm chí họ phủi tay khi cho rằng mình cũng chỉ là nạn nhân của Gia Phú”, anh Duy bức xúc và cho biết đến nay vẫn chưa được Đất Xanh Đông Á trả lại tiền.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Giám đốc Hãng luật Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc ông Nghiêm vẫn còn 16 căn hộ, 3 sàn thương mại tổng giá trị gần 82 tỷ đồng chưa bán và 10 căn hộ còn lại chưa thể hiện rõ không liên quan đến việc ông Nghiêm bị tố cáo có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi lẽ, ông Nghiêm bị tố cáo là do ông Nghiêm đứng ra ký hợp đồng bán một căn hộ cho nhiều người. Còn việc ông Nghiêm còn tài sản thì chỉ là việc tài sản dùng để khắc phục hậu quả (nếu có) khi giải quyết hậu quả pháp lý của vụ án.
Điểm mấu chốt của vấn đề là việc ông Nghiêm nếu cho rằng căn hộ bán trùng là do thiếu tiền kinh doanh nên phải đi vay của chủ nợ, không có tiền trả chủ nợ nên chủ nợ ép phải ký bằng hợp đồng mua bán. Tức là, ông Nghiêm không hề bán một căn hộ cho nhiều người mà thực chất không bán hoặc chỉ bán cho một người, còn những người còn lại là vay tài sản nhưng dưới dạng giao dịch giả tạo là hợp đồng mua bán căn hộ.
Nếu như lời khai của ông Nghiêm là đúng, thì phải xác định có hợp đồng vay tài sản với những người còn lại không? Những người mà ông Nghiêm cho rằng thực chất mình chỉ vay tiền chứ không hề mua bán có thừa nhận hay không? Vì việc chứng minh giao dịch giả tạo không hề đơn giản. Nếu đúng là giao dịch giả tạo thì ông Nghiêm không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng Cơ quan điều tra phải trả lời rõ nội dung này cho người tố cáo để làm cơ sở giải quyết tranh chấp dân sự sau này.
Còn nếu chỉ là lời khai của ông Nghiêm và chưa được làm rõ mà xác định không đủ yếu tố cấu thành tội phạm là chưa ổn về pháp lý. Giả sử khi người mua bán căn hộ bị trùng khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp dân sự và những người đã ký hợp đồng đều khẳng định là mua bán thật, chứ không phải là nhằm che dấu hợp đồng vay thì rõ ràng, ở đây có yếu tố hình sự và có thể Tòa án buộc phải chuyển sang Cơ quan điều tra để làm rõ một lần nữa.