Động thái bất ngờ của Bộ Y tế với 4 bị cáo vụ chạy thận ở Hòa Bình
3 ngày trước khi phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố y khoa trong chạy thận nhân tạo làm 9 người tử vong ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, ngày 10/5/2019, Bộ Y tế chính thức gửi Công văn đến TAND tỉnh Hòa Bình và Viện KSND tỉnh Hòa Bình đề nghị xem xét lại tội danh đối với các bị cáo Hoàng Công Lương, Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu và Đỗ Anh Tuấn.
Bị cáo Hoàng Công Lương (trái). |
Tội danh của các bị cáo “chưa phù hợp”
Trong công văn, Bộ Y tế cho rằng việc định tội danh và tuyên phạt trong phiên xét xử sơ thẩm đối với một số bị cáo còn “thiếu khách quan và chưa đảm bảo khoa học pháp lý”.
Theo đó, để xác định tội danh “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cần phải được xem xét, đánh giá dưới góc độ khoa học pháp lý về chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan và các chứng cứ luận tội.
Đối với Hoàng Công Lương, Bộ Y tế cho rằng việc TAND TP Hòa Bình xử bị cáo tội “Vô ý làm chết người” là chưa phù hợp. Bản án cho rằng bị cáo Lương "ký đề xuất sửa chữa nhưng chưa nhận lại bàn giao hoặc chưa hỏi người có trách nhiệm sửa chữa hay có thẩm quyền để biết nước chạy thận đã an toàn mà đã ra y lênh chạy thận cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả", từ đó xác định lỗi "vô ý do cẩu thả" là chưa phù hợp với hành vi khách quan của của tội danh này. Bộ Y tế giải thích lỗi này là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp đến cái chết của nạn nhân; việc xác định bị cáo Lương phạm tội "Vô ý làm chết người" là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể, khách quan.
Cũng theo nội dung công văn, việc TAND TP Hòa Bình xét xử bị cáo Đỗ Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần (CTCP) Dược phẩm Thiên Sơn tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng" cũng không phù hợp.
Bộ Y tế lập luận: Lý do là chủ thể của tội danh này nằm trong chương "Tội phạm chức vụ" và yêu cầu chủ thể đặc biệt nên "Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ" (Khoản 2 Điều 277 Bộ luật Hình sự năm 1999).
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn. |
Theo điều luật này, “người” ở đây chỉ có thể là cá nhân nên việc xác định trách nhiệm hoặc chuyển giao công vụ (nếu có) chỉ có thể thông qua Hợp đồng lao động, không thể thông qua Hợp đồng kinh tế giữa hai pháp nhân (Thiên Sơn là doanh nghiệp ký Hợp đồng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thuê 05 máy chạy thận và là đơn vị trúng thầu sửa chữa hệ thống RO số 2 ngày 28/5/2017). Do đó, bị cáo Đỗ Anh Tuấn là Giám đốc công ty 100% vốn tư nhân, không phải là chủ thể của tội danh này.
Bản án cho rằng ông Đỗ Anh Tuấn đồng phạm với Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), trong khi pháp luật hình sự quy định đồng phạm chỉ áp dụng các tội có lỗi cố ý (Khoản 1 Điều 20 Bộ luật hình sự 1999 "Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm" nhưng tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" lại có cấu thành là lỗi vô ý. Như vậy, việc nhân định trên không đúng với bản chất của tội danh này.
Từ các phân tích trên cho thấy, việc xác định bị cáo Tuấn phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể, cũng như hành vi vi phạm.
Những phân tích trên của Bộ Y tế gần giống với nội dung Đơn kêu oan được bị cáo Tuấn gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Chính Phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Viện trưởng VKS nhân dân Tối cao.
Trong lá đơn kêu cứu, Đỗ Anh Tuấn cho rằng thời điểm xảy ra sự cố y khoa, CTCP Dược phẩm Thiên sơn đang trong quá trình sửa chữa, chưa lấy nước xét nghiệm, chưa nghiệm thu bàn giao cho Bệnh viện, nhưng các nhân viên y tế của Bệnh viện đã tự ý sử dụng hệ thống máy lọc nước RO2 để lọc thận cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Kết luận điều tra nhận định Thiên Sơn ký hợp đồng với Bệnh viện đúng quy định pháp luật, Hợp đồng chưa bàn giao, Đỗ Anh Tuấn chỉ là đại diện pháp nhân. Tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là tội danh bắt buộc phải cấu thành chủ thể đặc biệt.
“Hiện nay, hàng chục nghìn doanh nghiệp đang đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong tất cả các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục...như doanh nghiệp của tôi. Nếu chỉ là đối tác đầu tư mà trở thành chủ thể thực hiện nhiệm vụ công để phải chịu tội thiếu trách nhiệm do lỗi của bất kỳ cá nhân thực hiện nhiệm vụ, công vụ của nghành nào đó thì vô cùng nguy hiểm cho các Doanh nghiệp và các doanh nhân”, bị cáo Đỗ Anh Tuấn viết trong Đơn kêu oan.
Bị cáo Trương Quý Dương. |
Trở lại với Công văn của Bộ Y tế, cơ quan này cũng cho rằng việc xác định Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là “khiên cưỡng, yếu chứng lý về yếu tố cấu thành tội phạm liên quan đến chủ thể trực tiếp, gián tiếp, hay gián tiếp của gián tiếp của hậu quả dẫn đến 8 bệnh nhân tử vong”.
Theo Bộ Y tế, trách nhiệm của người đứng đầu có thể được đặt ra nhưng tính chất mức độ đến đâu thì phải chứng minh được mối quan hệ từ hành vi của chủ thể (là 02 bị cáo) đến hậu quả vụ án, trong khi để xảy ra sự cố chết người này, trách nhiệm chính là của các bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn vì lỗi vô ý.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu. |
Do không chứng minh được hành vi của bị cáo Trương Quý Dương và Hoàng Đình Khiếu có mối quan hệ như thế nào đến hậu quả của vụ án vì bị cáo Quốc và Sơn bị xét xử về lỗi vô ý thì không thể xác định lỗi trách nhiệm gián tiếp của gián tiếp vào lỗi vô ý được.
Các thầy thuốc sẽ “thủ thân”?
Ngoài các lập luận pháp lý nói trên, Bộ Y tế còn cho rằng, nếu giữ nguyên bản án sơ thẩm sẽ gây tâm lý bất an cho toàn thể thầy thuốc, nhân viên y tế trong cả nước.
“Nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương tội danh “Vô ý làm chết người” sẽ là một tiền lệ rất xấu cho nền y khoa Việt Nam. Từ đây, các thầy thuốc, nhân viên y tế để thủ thân, an toàn cho mình; họ sẽ bám vào thủ tục hành chính, bám vào quy trình nhiều hơn, mất rất nhiều thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay vì cho sự xả thân có tính mạo hiểm của nghề nghiệp để tận tâm chữa bệnh cứu người, và hậu quả cuối cùng, người chịu nhiều thiệt thòi nhất lại là người bệnh, vì họ sẽ chết, chết rất đúng thủ tục, đúng quy trình và các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ không bắt bẻ họ vào đâu được”.
Trong phần kiến nghị, Bộ Y tế cho rằng việc để xảy ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng cần các chế tài xử lý nghiêm khắc nhất. Các bị cáo đều phải có trách nhiệm nhưng trách nhiệm đó là lỗi hay tội phạm, và mức độ chịu trách nhiệm pháp lý của các bị cáo cũng khác nhau, nên phải được điều tra, truy tố, xét xử để đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, cũng như không làm oan người vô tội.