Đổi tên nước: đồng tiền thay đổi, dễ sinh loạn
Xác định đây là một nội dung quan trọng nên Quốc hội đã dành cả ngày 27/5 để các ĐB thảo luận, góp ý cho dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, ĐB Nguyễn Đình Quyền – thành viên Ban biên tập soạn thảo Hiến pháp sửa đổi cho rằng chủ quyền nhân dân “là mục tiêu đầu tiên” phải làm sâu sắc hơn Hiến pháp 1992.
“Hiến pháp 1992 rất thành công về đối mới kinh tế nhưng chưa thể hiện rõ phân công quyền lực, lần này phải làm được điều đó. Hiến pháp sửa đổi phải đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và quyền lực phải được kiểm soát”.
ĐBQH tham gia góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp sáng 27/5. Ảnh LD |
Hoàn toàn nhất trí như bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp về điều 4, theo ông Quyền để tránh lực lược khác lợi dụng xuyên tạc, có một nội dung quan trọng cần phải đưa vào là “Đảng lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội, nhưng Đảng không làm thay”.
Ngược lại ĐB Quyền không đồng tình với việc có hội đồng bảo hiến. “Đây là nơi phân xử các mâu thuẫn. Vậy ở nước ta có cần không khi thực hiện đại đoàn kết toàn dân, có nhiều tổ chức chính trị xã hội, dân chủ hóa, đặt dưới sự lãnh đạo của đảng, mà quyền lực Nhà nước lại thuộc về nhân dân. Vì thế theo tôi không cần hội đồng bảo hiến”.
ĐB Trịnh Thế Khiết thì cho rằng không nên đưa điều 10 vào hiến pháp. Bởi lý do điều 4 đã ghi rõ Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nội dung này đã tổng thể tất cả rồi.
Bên cạnh đó theo ông Khiết điều 115 nói chưa rõ ràng về chính quyền địa phương. “Tôi đi tiếp xúc cử tri, ĐB HĐND cấp phường, huyện tâm tư lắm. Họ làm cũng không yên tâm vì chưa biết lúc nào sẽ bỏ HĐND. Vì thế hiến pháp lần này nên khẳng định cho rõ bỏ hay không bỏ HĐND để họ yên tâm làm”.
Tham gia góp ý khoản 3, điều 4, ĐB Nguyễn Minh Quang đề cập đến nội dung: Các tổ chức của Đảng và Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Theo ông chỉ cần để các tổ chức của Đảng mà không cần đưa vào cụm từ "và Đảng viên", vì trước khi vào Đảng anh đã là một công dân. Mà đã là công dân thì phải chấp hành hiến pháp và pháp luật.
Có cùng nhận định trên, ĐB Chu Sơn Hà đưa ra cho biết: "Đã là Đảng viên thì phải gương mẫu". Vì thế khoản 3 điều 4 phải thể hiện rõ cụm từ “gương mẫu chấp hành pháp luật”, vì trách nhiệm của Đảng viên đối với việc chấp hành hiến pháp pháp luật cao hơn công dân bình thường".
Đồng tình với vai trò lãnh đạo của Đảng được quy định trong hiến pháp, ĐBQH Lê Hiền Vân phân tích, mục tiêu của Đảng là đảm bảo cuộc sống ấm lo, hạnh phúc của nhân dân. Trải qua các thời kỳ khó khăn gian khổ, Đảng vẫn khẳng định vị trí vai trò của mình… Quy định như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
ĐB Lê Hiền Vân cũng nhấn mạnh, lực lượng vũ trang nhân dân phải trung thành tuyệt đối với Đảng, với tổ quốc và nhân dân. Nhưng cũng có thể sắp xếp lại thành lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Lực lượng vũ trang trước tiên phải trung thành với Tổ quốc, vì trong mọi trường hợp “Tổ quốc luôn là trên hết”.
Mặt khác quân đội cũng phải mang bản chất của Đảng. Đảng đã sinh ra quân đội, thì quân đội phải tuyệt đối trung thành. Điều này đúng với lời dạy của Bác: “Quân đội nhân dân trung với Đảng hiếu với dân”…
Một nội dung khác được nhiều ĐB đề cập đến trong phiên thảo luận tổ hôm nay là việc lựa chọn, đổi tên nước. Trong đó đa phần ý kiến các ĐB nêu ra đều ủng hộ phương án giữ nguyên tên nước như hiện nay.
Ủng hộ phương án giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo ĐB Đào Văn Bình, điều này thể hiện định hướng của chúng ta theo hướng XHCN. “Nếu quay lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa người ta lại hiểu ta không kiên trì theo con đường XHCN. Rồi con dấu, Quốc huy, đồng tiền phải thay đổi. Đặc biệt tiền thay đổi sẽ dễ sinh loạn” - ĐB Đào Văn Bình nhấn mạnh.