Người dân bức xúc vì nước đen kịt từ bãi rác chảy thẳng ra đồng ruộng
Dòng nước đen kịt từ bãi rác tập trung ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An) chảy thẳng ra ruộng lúa của người dân. Mặc dù người dân đã có những kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Nước rác thải đen kịt chảy thẳng ra môi trường
Theo phản ánh của người dân xóm Đông Quang, xã Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa, Nghệ An), vào năm 1990 họ có một số diện tích khai hoang để trồng lúa, từ đó đến nay mỗi năm làm 2 mùa lúa để ăn và lo cho con cái đi học.
Thế nhưng gần chục năm nay, sau khi thị xã Thái Hòa đưa bãi rác về đây thì số diện tích trồng lúa nước của người dân bị ô nhiễm. Một số diện tích đất không thể cày cấy và trồng trọt, thậm chí lúa làm ra không thể ăn được vì hạt gạo có mùi hôi.
Theo tìm hiểu, bãi rác tập trung nói trên được đặt tại địa bàn khối 3, phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa (trước đây là xóm 4, xã Nghĩa Hòa cũ), đây là địa điểm mà một bộ phận dân cư xóm Đông Quang ở gần nhất.
Có mặt thực tế ở bãi rác này, phóng viên ghi nhận phản ánh của người dân là có cơ sở. Bãi rác tập trung này rộng hàng chục ngàn m2, rác được chất đống cao. Các hố được xây dựng để đựng nước thải nhưng thực tế chỉ toàn nước mưa dưới đáy.
Điều đáng nói, nước rỉ rác chảy lênh láng khắp nơi và tập trung xuống một con mương với màu đen kịt rồi chảy thẳng ra môi trường xung quanh, ra sông Hiếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hố đựng nước thải nhưng bên trong toàn nước mưa. |
Nước rỉ đen kịt từ bãi rác chảy thẳng ra môi trường ruộng đồng của người dân. |
Ông T.V.Q (SN 1965, trú xóm Đông Quang, xã Đông Hiếu) cho biết: “Lượng rác thải tập trung về đây rất nhiều nên tồn đọng lớn, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Gia đình tôi làm hơn 2 sào ruộng, tuy nhiên do chịu phải nước rỉ của bãi rác khiến diện tích sản xuất không được. Những hộ gia đình có đất canh tác xung quanh bãi rác mỗi khi vào sản xuất cũng bị mùi hôi thối tra tấn nên vô cùng khổ sở”.
Cũng theo nhiều người dân, mấy năm qua họ đã gửi đơn kiến nghị xử lý tình trạng ô nhiễm này lên chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm.
Ông B.N.H (SN 1962, trú ở xóm Đông Quang) cho biết thêm, từ khi bãi rác đi vào hoạt động, gia đình tôi có khoảng 3 sào ruộng lúa không thể canh tác được nữa đành phải trồng cây keo. Một ít ruộng trồng lúa khi thu hoạch thì hạt gạo nấu lên trở thành màu xỉn đen, không ai dám ăn. Mương nước quanh năm nước đen kịt mùi hôi thối do có nước thải bãi rác.
“Trước khi quy hoạch bãi rác ở đây chúng tôi nghe đâu xử lý bằng công nghệ cao, thế nhưng đưa vào sử dụng chúng tôi chỉ thấy bãi rác được đốt cháy, khói nghi ngút len vào xóm khiến người dân buồn nôn, chóng mặt. Mới đây, ngày 23/5 bãi rác cháy âm ỉ một cả ngày đêm khiến người dân không thể chịu được. Nhiều người phải bỏ nhà đi nơi khác đến chiều tối mới dám quay về nhà, chưa kể ruồi nhặng bay vào nhà bu kín”, một người dân bức xúc nói.
Nước thải chảy ra khu vực canh tác của người dân khiến diện tích lúa bị ảnh hưởng. |
Chậm trễ vì điều chỉnh quy hoạch?
Ông Đoàn Đức Hạnh, Chủ tịch UBND phường Long Sơn (thị xã Thái Hòa) cho biết, về bãi rác nằm trên địa bàn khối 3, đến nay dự án nhà máy xử lý rác thải vẫn chưa được triển khai.
Qua tìm hiểu được biết, vào năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải Thái Hòa trên diện tích hơn 75.000 m2 (đặt tại xã Nghĩa Hòa cũ, nay là khối 3, phường Long Sơn). Tính chất, chức năng là nhà máy xử lý chất thải rắn cho thị xã Thái Hòa và vùng phụ cận.
Theo Quyết định này, dự án sẽ được khởi công trong Quý I/2018 và xây dựng hoàn thành dự án đưa vào hoạt động trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 03/11/2017 (từ đến ngày 03/11/2019 dự án phải hoàn thành và đi vào hoạt động). Thế nhưng, đến nay (tháng 5/2021) thì dự án vẫn “án binh bất động”.
Trao đổi với Infonet, ông Phạm Chí Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa cho biết: “Việc ô nhiễm ở khu vực bãi rác khiến chung tôi cũng rất lo lắng. Về dự án này (nhà máy xử lý chất thải – PV) Sở xây dựng Nghệ An đang trình UBND tỉnh để điều chỉnh quy hoạch.
Thị xã cũng đã thành lập hội đồng bồi thường để triển khai bồi thường, chi trả cho người dân. Chúng tôi đang đốc thúc dự án này càng nhanh càng tốt. Nhà đầu tư cũng cam kết đã chuẩn bị sẵn tài chính sau khi xong thủ tục sẽ bắt tay vào triển khai ngay”.
Việt Hòa