Số phận hẩm hiu, gia cảnh cơ hàn của người mẹ mất con trai 5 tuổi khi đi dỡ lạc
Không nhanh nhẹn như bao người phụ nữ khác, chồng lại bỏ nhà đi khi đứa con thứ 2 vừa tròn tháng, chị Nguyễn Thị Nghiêm (Lộc Hà, Hà Tĩnh) phải làm thuê để kiếm sống nuôi 2 con suốt hơn 5 năm qua.
Người phụ nữ bất hạnh
Ngồi thất thần bên di ảnh con trai, chị Nguyễn Thị Nghiêm (1985, trú thôn Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà) dường như không tin đó là sự thật. Buổi chiều định mệnh đó đã cướp đi đứa con trai bé bỏng, là chỗ dựa tinh thần của cả gia đình.
Việc cháu Trần Văn Huy (5 tuổi) con trai chị Nghiêm tử vong khi rơi xuống hố ga không có nắp đậy trên tuyến đường ven biển Hà Tĩnh khiến dư luận chưa hết bàng hoàng. Nhìn vẻ mặt người mẹ đau đớn tột cùng vì sự sơ xuất của mình làm mất con trai, họ hàng, làng xóm không khỏi xót xa.
Chị Nghiêm (bên trái) ngồi thất thần bên di ảnh con trai. |
Nỗi đau quá lớn khiến người phụ nữ bất hạnh suy sụp hẳn đi. Vốn đã ít lời, giờ đây chị như người ngơ ngẩn vì nỗi đau mất con. Nghẹn ngào trong tiếng nấc, giọng khản đặc, chị Nghiêm nhớ lại, khoảng 13h ngày 28/5, chị đi nhổ lạc giúp em chồng cạnh tuyến đường ven biển. Đến 16h cùng ngày thì Huy cùng chị gái (8 tuổi) đi bộ ra đồng, nơi mẹ cùng chú và ông nội đang thu hoạch lạc.
Phải thật sự chú ý, xâu chuỗi các thông tin, PV mới hiểu được câu chuyện của người mẹ đau khổ đang rối loạn tâm trí khi nghĩ lại sự việc không thể ngờ ấy.
Chị Nghiêm kể, do bận làm không để ý, đến khi công việc tạm gọn thì không thấy con đâu, cả nhà đổ xô đi tìm. Thời điểm đó xe cộ qua lại rất đông, người thì lo cháu bị bắt cóc, người lại nghĩ cháu tự đi về nhà vì trước đó vẫn thế. Tìm khắp nơi không thấy, mãi tới tối mới phát hiện cháu đã tử vong dưới hố ga bên đường.
Kể đến đây, nỗi đau mất con lại ập về, chị đến ngồi bên di ảnh con trai, lặng lẽ, dật dờ như chiếc bóng. Rồi đây, chị vẫn phải cố gắng đối diện với cuộc sống buồn tủi, như chị đã từng trải qua suốt nhiều năm qua.
Cách đây khoảng chục năm, khi vào Nam làm việc, chị gặp anh Trần Văn Dũng (SN 1985) rồi nên duyên vợ chồng. Năm 2012, cháu Trần Thị Thảo Nguyệt chào đời nhưng không được bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa, cháu dại người, nói trước quên sau.
Năm 2015, khi chị có bầu đứa con thứ 2, chồng chị bỏ nhà đi theo một gánh hát. Biết chị sinh con, anh có về nhưng chỉ 1 tháng sau lại bỏ đi biệt tích cho đến nay. Từ đó, chị lầm lũi làm thuê, cuốc mướn, ở đợ kiếm gạo để sống qua ngày, chăm nuôi 2 đứa con nhỏ dại.
Gia cảnh khốn cùng
Ông Trần Văn Thư (58 tuổi, bố anh Dũng) cho biết: “Gia đình tôi có 6 người con, 4 trai 2 gái, anh Dũng là con cả. Do hoàn cảnh khó khăn nên các con tôi đều học ít, người cao nhất chỉ học đến lớp 7.
Con dâu tôi không được nhanh nhẹn như người khác nên khó tìm được công việc phù hợp. Hàng ngày, ai thuê gì thì làm nấy, ngày thường thì trông giữ trẻ con, mùa đến thì đi mót (lượm) lạc hoặc đi làm giúp người ta để kiếm cân gạo, ngày không có việc thì ở nhà. Có 1 sào ruộng nhưng không tự làm được nên phải nhờ người em làm hộ, lấy gạo nuôi con”.
Cũng theo ông Thư, công việc làm thuê khi có khi không nên không đủ trang trải, cuộc sống hàng ngày của 3 mẹ con chị Nghiêm chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ, chia sẻ của hàng xóm và anh em trong gia đình.
Trong ngôi nhà tình nghĩa này không có bất kỳ thứ gì đáng giá ngoài chiếc máy ép nước mía do Hội từ thiện xã Thạch Kim vừa tặng. |
Theo quan sát của PV, hiện trong ngôi nhà tình nghĩa do giáo hội và xã hội xây tặng, gia đình chị Nghiêm không có bất kỳ thừ gì đáng giá ngoài chiếc máy ép nước mía và một số bình đựng nước lọc do Hội từ thiện xã Thạch Kim vừa tặng để kiếm kế sinh nhai.
Nói về nguyện vọng của gia đình, ông Thư chia sẻ: “Gia đình không đòi hỏi gì cả. Cháu thì mất rồi, sống làm sao cho trọn vẹn con người với nhau thôi. Cái đen của cả 2 bên, không ai mong muốn điều đó”.
Cũng theo ông Thư, sau khi sự cố xảy ra, phía đơn vị thi công đưa cho gia đình 30 triệu đồng để lo hậu sự cho cháu, gần đây họ đưa tiếp 50 triệu nữa.
Nhớ về những ngày Huy còn sống, ông Thư nói: “Huy khôn ngoan, nhanh nhẹn, lại là anh đầu chị cả, cháu trưởng (đích tôn - PV) của gia đình nên đi đâu cũng xoắn lấy ông. Cha thì bỏ đi biền biệt, mẹ thì chậm chạp, chị gái lại dại người... Tôi mộng nơi cháu, giờ cháu đi rồi, tôi mất nhờ, chỉ biết cắn răng chịu đựng thôi. Tôi ân hận và đau xót vô cùng vì làm việc gần đó mà không bảo vệ được cháu”.
“Ông thì dốt, cả nhà ít chữ, chỉ có bố Huy và 1 người cô được học đến lớp 7. Gia đình đói khổ, không có tiền cho con ăn học”, ông Thư nói về ý định mua cho Huy chiếc xe đạp để chuẩn bị vào lớp 1 nhưng tất cả đã không kịp nữa.
Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Lý, Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Lộc Hà kiêm Bí thư Chi bộ thôn Xuân Hải chia sẻ: “Gia đình ông Thư do đông con, không có điều kiện ăn học nên dẫn đến đói nghèo. Chị Nghiêm người ở Cửa Lò (Nghệ An), lấy chồng về đây nhưng anh này bỏ đi biền biệt, không quan tâm gì đến gia đình”.
“Do chị Nghiêm không được nhanh nhẹn, không có khả năng tính toán liệu trù cuộc sống nên hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Địa phương cũng đã có hướng đào tạo nghề để chị ấy mưu sinh nhưng bản thân chị Nghiêm không tiếp thu được”, ông Lý nói thêm.
Ông Lý cũng không khỏi xót xa khi nói về hoàn cảnh kém may mắn của chị Nghiêm: Hàng ngày chị Nghiêm đi làm thuê kiếm vài trăm ngàn sống qua ngày nên bữa đói bữa no. Khi ốm đau hay không có việc làm, xóm làng ai cho gì ăn nấy, không có gì thì đành nhịn!
"Bẫy" chết người dày đặc nơi bé trai 5 tuổi rơi xuống cống tử vong
Trên đoạn đường mà bé trai 5 tuổi rơi xuống cống tử vong khi theo mẹ đi dỡ lạc tại thị trấn Lộc Hà (Hà Tĩnh) còn có rất nhiều hố ga, rãnh thoát nước không có nắp đậy, rất nguy hiểm.
Trần Hoàn