Hội An nói "không" với thịt chó, mèo: Chủ quán thịt cầy và người dân nói gì?
Đa phần người dân Hội An ủng hộ việc dừng tiêu thụ thịt chó, mèo. Các hộ kinh doanh cho rằng cần điều kiện hỗ trợ đi kèm. Lãnh đạo TP nói thông tin không cho kinh doanh thịt chó là không đúng, vì luật pháp không cấm
Mới đây, UBND TP Hội An (Quảng Nam) vừa ký kết với tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu FOUR PAWS về cam kết loại bỏ việc sử dụng, buôn bán thịt chó, mèo trên địa bàn.
Bà Lê Thị Thu (49 tuổi, trú phường Cẩm Thanh, TP. Hội An) cho biết, bà rất đồng tình khi thành phố ký cam kết nói "không" với thịt chó, mèo. Theo bà Thu, chó, mèo là vật nuôi trung thành và gắn bó mật thiết với con người. Gia đình bà cũng nuôi 1 chú chó hơn 10 năm nay và xem nó như thành viên trong gia đình. Do đó, khi biết tin Hội An khuyến khích ngừng tiêu thụ thịt chó, mèo, bà và mọi người trong nhà đều hưởng ứng vì rất nhân đạo.
"Đây là việc làm rất nhân văn. Hi vọng, từ nay trên địa bàn sẽ giảm thiểu được số lượng chó mèo bị giết thịt và không còn nạn trộm chó nữa", bà Thu bộc bạch.
Hội An là thành phố đầu tiên của Việt Nam ký cam kết nói "không" với thịt, chó mèo
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuấn (53 tuổi, trú xã Cẩm Hà, TP. Hội An) cho biết, ông rất hoan nghênh trước chủ trương đầy nhân văn này. Gia đình ông từng nuôi chú chó và bị "cẩu tặc" bắt trộm khiến bản thân rất bức xúc. Ngoài ra, ông và tất cả các thành viên trong gia đình 3 thế hệ của mình cũng không ai ăn thịt chó cả, bởi đây là loài động vật rất gần gũi và sống có tình cảm với con người.
"Riêng gia đình tôi rất tán thành việc chấm dứt nạn buôn bán, giết thịt chó, mèo. Có thể, đối với những người có thói quen ăn thịt chó, mèo thì họ xem đó là bình thường, nhưng với những người nuôi chó và quý chó như tôi thì việc đó rất đáng lên án", ông Tuấn trải lòng.
Theo ghi nhận của PV, ngày 12/11, đa số các quán thịt cầy ở Hội An đều chỉ lác đác khách. Các chủ quán cho biết, mặc dù thành phố này chưa có lệnh cấm bán thị chó, mèo nhưng sau khi báo chí đăng tải thông tin Hội An nói “không” với thịt chó, mèo thì lượng khách đến quán ăn rất ít.
Một quán thịt chó trên đường Nguyễn Tất Thành, TP. Hội An
Ông Nguyễn Văn Thành (chủ quán thịt cầy Thành Bắc, ở đường Đỗ Đăng Tuyển, phường Cẩm Châu, TP. Hội An) cho biết, ông đã gắn bó với việc buôn bán này đã suốt 16 năm nay và đây là nguồn kinh tế chính của gia đình nên quán không thể nghỉ được. Trung bình mỗi ngày quán ông có khoảng 100 khách, tiêu thụ 3 con chó.
"Hiện tại quán của tôi vẫn kinh doanh bình thường vì đây là nguồn mưu sinh duy nhất của gia đình tôi. Nhưng nếu thành phố đã có chủ trương thì tôi cũng sẽ chấp nhận đóng cửa, tuy nhiên với điều kiện chính quyền phải có giải pháp để tìm hướng chuyển đổi kinh doanh sang lĩnh vực khác cho chúng tôi", ông Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ quán thịt cầy Thành Bắc đã kinh doanh mặt hàng này từ năm 2003 và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình
Hầu hết các chủ quán kinh doanh thịt cầy đều cho rằng, chính quyền Hội An cần cân nhắc các điều kiện hỗ trợ khi triển khai chủ trương nói "không" với thịt chó, mèo
Đồng quan điểm, anh Công - chủ quán thịt chó trên đường Lý Thường Kiệt (phường Cẩm Phô, TP. Hội An) cũng bày tỏ lo lắng khi nghe thông tin này. Anh cho biết, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên hôm nay quán của anh vẫn tiếp tục kinh doanh.
"Tôi cũng chỉ mới biết thông tin qua báo chí chứ chưa nghe chính quyền nói gì. Nhưng nếu buộc phải nghỉ bán thì hi vọng thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ thích đáng cho những hộ kinh doanh như chúng tôi”, anh Công nói.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch TP. Hội An cho hay, dự án mà thành phố ký kết với FOUR PAWS chỉ mới là biên bản ghi nhớ để làm cơ sở xin chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam, nếu được thông qua thì mới thống nhất, lên kế hoạch cụ thể để triển khai trong 2 năm 2022 và 2023.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch TP. Hội An phát biểu tại buổi ký cam kết không tiêu thụ thịt chó, mèo
Ông Hùng cũng khẳng định, thông tin không cho kinh doanh thịt chó là không đúng, vì luật pháp không cấm việc kinh doanh thịt chó, mèo.
"Không ai mà cấm được. Pháp luật họ cho phép thì sao mà cấm được khi họ đầy đủ điều kiện kinh doanh. Giải pháp quan trọng nhất ở đây là tuyên truyền vận động và hi vọng người dân sẽ đồng tình, hưởng ứng. Bởi, phúc lợi động vật là yếu tố quan trọng đối với cả khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt khi các vật nuôi, thú cưng đang ngày càng được coi là thành viên trong gia đình ở Việt Nam. Chúng tôi muốn vận động để người dân dần hình thành thói quen không ăn thịt chó, mèo. Dự án triển khai trên địa bàn là vì cái chung, xây dựng Hội An là thành phố sinh thái, du lịch nhân tình thuần hậu", ông Hùng chia sẻ.
Phó Chủ tịch TP. Hội An cũng cho biết thêm, khi dự án được triển khai cụ thể thì chính quyền sẽ có các biện pháp để chuyển đổi ngành nghề cho những người kinh doanh, bán thịt chó trên địa bàn. Ngoài ra, việc quan trọng khác trong dự án là loại trừ bệnh dại, tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi.
Theo Trí thức trẻ