Cảnh giác với trùng amip ăn não người
Cảnh giác với trùng amip ăn não người

BS Nguyễn Hoan Phú, Phó Khoa Nhiễm Việt Anh - Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh TN
Để hiểu rõ về loại trùng này, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trò chuyện với BS Nguyễn Hoan Phú, Phó Khoa Nhiễm Việt Anh (Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM) - người điều trị cho ca bệnh trên.
- Nhiều trường hợp bị tử vong do trùng amip ăn não trên thế giới đã được cảnh báo từ rất lâu, tại sao bây giờ ở Việt Nam mới phát hiện, thưa ông?
Đúng là trên thế giới đã phát hiện một số trường hợp bị trùng amip ăn não từ năm 1937. Tuy nhiên, chỉ đến tháng 6/2011, tại miền Nam Louisiana, nước Mỹ mới ghi nhận một trường hợp tử vong đầu tiên do trùng amip chui vào phá hủy hệ thần kinh trung ương. Sau đó, đến các nước như Pakistan, Ấn Độ… cũng phát hiện thêm những trường hợp tương tự và được báo cáo trên các tạp chí nhiều nước về các bệnh truyền nhiễm.
Còn tại Việt Nam, trong năm 2010 cũng có một trường hợp bị tử vong và nghi ngờ do trùng amip gây nên. Nhưng, sự việc xảy ra quá nhanh nên ngành y tế cũng chưa xác định rõ nguyên nhân.
Hơn nữa, từ trước đến nay ngành y tế cũng chưa chú trọng đến việc trùng amip ăn não người. Bởi vậy, nên nhiều trường hợp bệnh nhân đau đầu có vấn đề thì y tế chỉ chú ý vào việc soi cấy, nhuộm ram, tìm vi trùng lao… chứ chưa quan tâm và không nghĩ tới do trùng amip gây ra. Do đó, các bác sĩ cũng chưa ra y lệnh soi não tủy bệnh nhân, có soi thì mới thấy được có phải do trùng amip hay không.

Quá trình trùng amip đi vào não người
- Mức độ nguy hiểm của nó như thế nào, thưa ông?
Amip ăn não còn gọi là Naegleris, là một loại sinh vật đơn bào excavata sinh sống tự do trong môi trường thiên nhiên nước ngọt và ấm như ao, hồ, sông, ngòi, bể bơi không được xử lý bằng hóa chất clo…
Con người không phải là kí chủ của amip nhưng nếu vô tình tiếp xúc với nó qua bơi, lội thì nó sẽ chui qua đường mũi, mắt, tai phát triển nhanh rồi lên não và bắt đầu hủy hoại tế bào não. Qua đó gây nên những cơn đau đầu khủng khiếp, sốt nặng, có ảo giác, mất hết kiểm soát.
Đa số các trường hợp đều bị tử vong rất nhanh, sau 3 – 14 ngày và khó nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
- Con đường trùng amip chui vào trong não người khá dễ dàng qua môi trường nước, vậy có phải cứ tiếp xúc với nước ao, hồ… là có nguy cơ cao bị trùng amip chui vào người hay không?
Tôi khẳng định đây không phải là bệnh truyền nhiễm mà chỉ amip là một sinh vật đơn bào. Hơn nữa, loại trùng này rất hiếm gặp chứ không phải tồn tại ở mọi chỗ, mọi nơi trong môi trường nước như mọi người vẫn nghĩ.
Song, để đề phòng trùng amip có thể tấn công, thì những người hay du lịch sinh thái ở những vùng, hồ nước ngọt cần trang bị mặt nạ và bảo hộ bơi lặn. Riêng đối với những người dân do mưu sinh nghề nghiệp phải tiếp xúc bơi lặn những vùng nước như vậy, mỗi lần lên bờ cần các động tác vệ sinh thông thường như: nhỏ nước muối vào mắt, mũi và tai.
Tuy nhiên, người dân cần đặc biệt lưu ý, dung dịch nước muối này cần phải mua ở những nhà thuốc tây, tuyệt đối không được tự ý pha chế nước muối để dùng. Bởi, muối mua không rõ nguồn gốc sẽ không những không khử trùng được vi khuẩn mà còn “mở đường” cho trùng amip xâm nhập lên não.
Được biết, mới đây trên thế giới đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sử dụng nước muối để rửa xoang. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, mẫu nước sinh hoạt mà gia đình bệnh nhân sử dụng để pha nước muối có chứa trùng amip.
-Hiện nay, ở Việt Nam đã có thuốc đặc trị loại trùng này hay chưa?
Hiện nay tại bệnh viện luôn có thuốc đặc trị loại trùng amip này nhưng bệnh nhân phải đến sớm để điều trị kịp thời.
Vì vậy, người dân không được chủ quan bởi bệnh đau đầu. Khi có những triệu chứng đau đầu, sốt cao phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Đồng thời phải thông báo cho nhân viên y tế biết. Trước đây vài ngày, tôi có bơi, lội ở ao hồ vùng nước ngọt.
Ngược lại, nhân viên y tế không được chủ quan khi tiếp xúc với bệnh nhân. Ngoài những bệnh nhiễm trùng khác, cần chú ý tới con trùng amip để tiến hành dò khảo sát dịch não tủy. Phát hiện càng sớm thì mới điều trị được.
-Xin cảm ơn ông!
Thúy Ngà