Đổi mới SGK, đừng để 5-10 năm “nói lại một lần”
Câu hỏi này được các ĐBQH đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT) tại phiên thảo luận ở hội trường về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Mở đầu bài phát biểu của mình, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đã tỏ rõ sự băn khoăn về chuyện Bộ GDĐT đứng ra thực hiện, xây dựng bộ SGK mới sẽ thiếu tính khách quan và sẽ “lấn lướt” các đơn vị xã hội hóa khác thực hiện biên soạn SGK. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (HCM) nêu quan điểm, Bộ không nên đứng ra biên soạn 1 bộ SGK mà dành kinh phí này để đào tạo giáo viên, nâng cao cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn SGK cũng phải được cụ thể hóa trong đề án, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, tốn tiền làm sách nhưng tới khi sách ra lò lại không sử dụng được, lãng phí.
ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) |
Với kinh nghiệm của một vị phụ huynh có con em đang trong độ tuổi đi học, ĐB Trang nói, điều các em học sinh và cả phụ huynh rất sợ là chương trình SGK thay đổi liên tục.
“Tôi quan tâm và xin hỏi Bộ trưởng, lần đổi mới này thì “tuổi thọ” của SGK mới sẽ kéo dài bao lâu để tránh như trước đây, nhiều bộ SGK mới ra đời nhưng sau một thời gian ngắn sử dụng đã thấy lạc hậu bộc lộ rõ”- ĐB Thùy Trang đặt câu hỏi với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Cùng chung mối lo về “tuổi thọ” bộ SGK mới, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, GDĐT là lĩnh vực cần nhìn xa trông rộng. “Nếu không bàn bạc kỹ lưỡng và cân nhắc sẽ dễ vào tình trạng duy ý chí, thiếu khả thi. Cứ 5 hay 10 năm chúng ta lại phải bàn lại việc làm sao đổi mới SGK thì không nên. Ngoài ra, nếu không cải thiện được tình trạng 50, 60 học sinh một lớp ở thành phố và tình trạng trường lớp xập xệ ở vùng sâu vùng xa thì khó có thể nói đến thành công của chương trình SGK mới”- bà Thúy nhấn mạnh.
Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý, đề án đổi mới SGK mà Bộ GDĐT trình Quốc hội chưa có báo cáo đánh giá tác động kèm theo như quy định của pháp luật. Nếu không có báo cáo đánh giá tác động, các ĐB sẽ thiếu cơ sở để bàn luận và lo lắng khi biểu quyết thông qua nghị quyết.
“Chương trình học mới mới là quan trọng, là cái Bộ cần nắm và đầu tư xây dựng. Còn SGK chỉ nên biên soạn sau khi có đề cương chi tiết của chương trình” – bà Thúy nêu quan điểm.
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, phạm vi đề án đặt ra chưa thỏa đáng vì chưa đủ các yếu tố để thực hiện thành công sự “đổi mới” trong chương trình này. Đề án mới chỉ đề cập tới việc đổi mới SGK chứ chưa đề cập tới những nội dung khác như nhân lực, cơ sở vật chất…. Nếu không làm rõ các lộ trình, đầu tư thì vẫn không thể giải tỏa được điểm yếu “cốt tử” của chương trình.
Mục tiêu cao nhất đổi mới chương trình SGK, theo ĐB Nguyễn Thành Tâm là phải làm sao để các thế hệ học sinh trong tương lai không trở thành “hình mẫu búp bê trong tủ kính”.