Đổi giờ - Giá đắt?
Đổi giờ - Giá đắt?
Để tuân theo giờ giấc mới, hàng ngàn người, trong đó có các giáo viên, CSGT đang phải làm thêm giờ, hàng chục ngàn học sinh và gia đình phải thay đổi giờ giấc để thích nghi với quy định mới.
Sau vài ngày triển khai đổi giờ, ra đường vào giờ cao điểm vẫn thấy ùn tắc, nhất là vào buổi chiều. Tuy nhiên mức ùn tắc không kéo dài như trước đây.
Theo báo cáo gửi Bộ GTVT về hiệu quả của việc đổi giờ học, giờ làm, Sở GTVT cho rằng đã mang lại kết quả bước đầu, tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm thiểu đáng kể.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trên một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc trước đây, lượng người lưu thông vẫn đông nhưng không gây tắc nghẽn.
Mật độ giao thông trong giờ cao điểm đã giảm đáng kể, điển hình như một số tuyến đường Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Trương Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy – Cầu Giấy...
![]() |
Ùn tắc giao thông có giảm nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Ảnh LD |
Tuy nhiên để có được kết quả như vậy là cả một sự hi sinh của hàng vạn con người. Để “phục vụ” phương án đổi giờ, người bị ảnh hưởng đầu tiên chính là những cảnh sát và thanh tra giao thông. Hơn 200 chiến sỹ GSGT được bổ sung, phải làm thêm hai giờ mỗi ngày, túc trực tại những điểm nóng giao thông trong điều kiện mưa rét.
Trả lời báo chí quanh việc đổi giờ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết mỗi người dân cần phải thực hiện nghiêm túc mới mang lại kết quả. Cuộc sống gia đình ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng mỗi người nếu dậy sớm hơn, về muộn hơn một chút, hi sinh ít quyền lợi cá nhân để đảm bảo lợi ích chung thì cũng là việc nên làm.
Nhưng trên thực tế cái sự “hi sinh” ấy nếu chỉ trong một chốc, một lát thì chẳng khó gì, tuy nhiên về mặt lâu dài thật không hề đơn giản. Cái giá của sự đánh đổi xem ra không hề rẻ.
Chị Hiền (ở Trường Chinh, Hà Nội) đang là một công chức nhà nước, sáng 8h làm, chiều 17h tan. Gia đình chị có hai con, một học tiểu học, một học cấp III. Vì cùng đường nên từ trước tới nay chị thường đưa đón con đi học. Nhưng khi đổi giờ việc đón con buổi chiều rất khó khăn: Nếu hết giờ làm đến đón con luôn, chị sẽ phải đợi ngoài cổng hàng giờ. Nếu quay về nhà, sau đó mới đi đón con sẽ mất công. Ai cũng như vậy thì đường lại thêm tắc.
“Phải dậy sớm, về muộn nên mấy đứa nhà tôi lúc nào cũng mệt, đói. 7h30 tối mới về đến nhà. Ăn uống sinh hoạt xong, chúng lên giường ngủ là vừa, chẳng học hành gì cả. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ không ổn” – chị Hiền than thở.
![]() |
Hàng vạn học sinh đang phải đối mặt với nhiều bất cập từ việc đổi giờ học. Ảnh VNE |
Không chỉ các bậc phụ huynh, đội ngũ giáo viên cũng cảm thấy uể oải khi phải làm thêm giờ, đưa đón con. Chị Trần Thúy Hằng, một giáo viên cấp III ở quận Đống Đa cho biết, không đưa con cái đi học được như mọi khi, chị phải thuê xe ôm chở con đi học mỗi ngày. Hôm nào phải đứng lớp tiết cuối, gia đình chị hoặc ăn cơm ngoài, hoặc phải ăn cơm rất muộn.
Theo thống kê Hà Nội hiện có khoảng 2.500 trường với gần 1,5 triệu học sinh. Trong đó có khoảng 900 trường với trên nửa triệu học sinh bị tác động trực tiếp từ điều chỉnh giờ. Gần một nửa số đó đang phải học ca chiều. Hầu hết giáo viên, gia đình gặp khó khăn với nhịp sống mới.
Trước những rắc rối phát sinh trong vài ngày qua, phía Sở GD&ĐT Hà Nội đã lên tiếng kiến nghị cần điều chỉnh giờ học vào buổi chiều một cách hợp lý hơn. Vì nếu cứ tình trạng tan học muộn như hiện nay, giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng nặng nề, hơn nữa tình hình giao thông vào giờ cao điểm buổi chiều cũng chưa được như kỳ vọng.
Có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, điều chỉnh giờ học không những cuộc sống bị đảo lộn, mà giao thông giờ cao điểm chưa chắc đã hết ùn tắc. Vì thế nên điều chỉnh thời gian học ca chiều, hoặc đưa nhóm học sinh quay lại múi giờ học trước đây.
Nguyễn Dũng