Đòi “ép” lãi vay về 10%
Đòi “ép” lãi vay về 10%
ĐB Nguyễn Quốc Bình nhận định, năm 2012 nền kinh tế trong nước gặp khó khăn hơn nhiều so với 2011. Nếu không có giải pháp mạnh và đồng bộ thì sẽ còn tiếp tục khó khăn hơn vào những năm 2013, 2014.
Để tháo gỡ khó khăn này, theo ông Bình, lúc này phải khẩn trương lưu thông nguồn vốn và giảm lãi suất cho vay. Thực tế với mức lãi suất như hiện nay, DN duy trì sản xuất kinh doanh đã khó chứ đừng nói chuyện phát triển bền vững.
Ông Bình kiến nghị Chính phủ phải điều hành quyết liện để đưa mức lãi suất xuống 11 – 12% trong 6 tháng cuối năm.
Tại phiên thảo luận tổ sáng nay, nhiều ĐB TP Hà Nội kiến nghị hạ lãi suất cho vay. Ảnh LD |
ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, trong khi nền kinh tế khó khăn thì phía ngân hàng vẫn lãi cao, sống khỏe. Hàng chục nghìn DN phá sản nhưng các ngân hàng vẫn thờ ơ như không. Ngân hàng đang sống nhờ lãi suất của người dân và DN.
“Chúng ta chưa thực hiện rà soát ngân hàng khỏe, yếu. Nhiều DN nói lãi suất không hạ. Vậy vai trò của NHNN ở đâu? Giờ mới lập đề án tái cơ cấu thì bao giờ mới khắc phục được khó khăn?” – ĐB Quyền nêu vấn đề.
Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ nhằm cứu sống DN, nhưng ĐB Quyền cũng khuyến cáo cần có sự quản lý chặt chẽ, tránh gây phản tác dụng, hay tạo cơ chế xin cho, dẫn đến DN “chết” cứ “chết”, “khỏe” cứ “khỏe.
Về giải pháp nguồn vốn, đa số ý kiến của các ĐB đưa ra đều cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các DN đang cực kỳ khó khăn. Nếu không cho DN tiếp cận vốn thì số lượng DN giải thể, phá sản sẽ càng tăng.
Thậm chí có ĐB còn kiến nghị NHNN phải công bố mức lãi suất cho vay 10%, đồng thời công khai báo cáo dư nợ tín dụng của từng ngân hàng.
Vấn đề lãi suất cho vay, theo ĐB ĐB Phạm Huy Hùng, do hàng tồn kho của DN rất cao, vì thế hạ lãi suất xuống 15% là cần thiết. Nhưng mức lãi suất như vậy vẫn còn ở mức cao, đặc biệt nhiều DN vẫn còn duy trì mức 17 – 18%, gây bất cập lớn và cần phải xem xét lại.
“Lãi suất lên xuống là điều hết sức bình thường nhưng cần phải có sự điều chỉnh mạnh hơn nữa. Việc giảm lãi suất huy động xuống 10%, lãi suất cho vay xuống 13%, thậm chí xuống tới mức 7% cũng hoàn toàn có thể làm được. Ở nhiều nước trên thế giới, mức lãi suất hoàn toàn bằng không. Nhiều nước trong khu vực cũng không duy trì mức lãi suất cao như của chúng ta hiện nay” – ĐB Hùng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các ĐB trong giờ giải lao. Ảnh LD |
Theo ĐB Nguyễn Minh Quang, báo cáo tình hình KTXH 2011, 4 tháng đầu năm 2012 của Chính phủ chưa nêu được sự kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và BĐS. Đặc biệt sự kiểm soát đối với mảng BĐS còn hết sức lỏng lẻo.
ĐB Quang dẫn dụ, trên cả nước hiện nay, đặc biệt tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM đã xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Nghĩa là Chính phủ chưa kiểm soát được nguồn tiền, khiến tiền đổ vào BĐS quá lớn.
Theo ĐB Quang, ngoài vấn đề thị trường, lĩnh vực BĐS còn đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn vốn và lãi suất tín dụng. Nếu cứ thắt chặt tín dụng và duy trì mức lãi suất 24% như hiện nay thì DN sẽ chết dần. Theo ghi nhận của vị ĐB này thì trong 22 DN hoạt động thuộc ngành BĐS có đến 4 DN không tăng trưởng, 18 DN chỉ bằng 80% kết quả kinh doanh của năm ngoái.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Châu Thị Thu Nga đưa ra nhận định, năm 2011 – 2012 là thời điểm cực kỳ khó khăn và đây chính là thời điểm “khám sức khỏe” đối với DN.
ĐB Nga cho rằng, khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn vay vô cùng khó khăn, thủ tục giải ngân lại hết sức rườm rà. Từ đó dẫn đến thực trạng DN đóng cửa nhiều, chết lâm sàng cũng không ít.
“Chính phủ nên xem xét mảng cho vay tiêu dùng xem có thực sự hiệu quả không. Đối với những dự án BĐS khả thi, đã hoàn thành, cần phải tiếp tục giải ngân để tránh lãng phí trong đầu tư. Bên cạnh đó những dự án đã giao đất, Chính phủ cần tiếp tục cho dãn nộp thuế sử dụng đất để giảm bớt khó khăn cho DN. Đặc biệt Chính phủ phải tiến hành kiểm tra nguồn vốn vay và lãi suất về mức hợp lý” – bà Nga kiến nghị.
ĐB Phạm Huy Hùng phân tích, do nguồn tiền đầu tư vào BĐS lớn dẫn đến mất cân đối giữa tiền và hàng. Từ đó dẫn tới thực trạng tăng trưởng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế không cân đối.
Nguyễn Dũng