Doanh nhân là trụ cột của phát triển kinh tế tư nhân
Theo số liệu thống kê, khu vực tư nhân hiện nay tạo ra đến 90% việc làm mới cho người lao động và đóng góp khoảng 50% GDP cả nước. Khu vực này đang dần lớn mạnh và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của mình đối với nền kinh tế đất nước.
Đề cập đến “sức mạnh” của doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế tư nhân, TS. Trần Du Lịch ví von: “Doanh nhân giống như một hạt giống được cấy trồng trong môi trường, nếu như môi trường tốt thì hạt giống sẽ phát triển lên tươi tốt”.
Trong từng giai đoạn phát triển, mặc dù có những trói buộc, khó khăn nhưng doanh nhân Việt Nam rất năng động trong nhiều lĩnh vực. Ông Lịch nhận định, đến nay, nhiều doanh nhân đã xây dựng được những thương hiệu Việt mạnh trong các lĩnh vực như chế biến nông sản, chế biến hải sản, tiểu thủ công, công nghiệp chế biến. Trong lĩnh vực nông sản, có thể kể đến như: cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, chè san tuyết Mộc Châu…
Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng không, bất động sản, xây dựng đã in dấu ấn khát vọng vươn ra thị trường thế giới của nhiều doanh nhân Việt, có thể kể đến các doanh nhân tỷ phú như: Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo…
TS. Trần Du Lịch phân tích, sở dĩ có được điều này là do sự năng động của các doanh nhân Việt Nam. Trong tương lai, nếu môi trường xã hội, môi trường pháp lý tốt, thuận lợi sẽ tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa sở trường và tiềm năng của mình để vươn ra thế giới.
“Bên cạnh sự năng động, dám nghĩ, dám làm, doanh nhân Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, đó là trong quá trình điều hành, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề còn yếu kém. Trong giai đoạn sắp tới, việc hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có ý nghĩa rất quan trọng để doanh nghiệp cùng phát triển. Một doanh nghiệp không thể tự phát triển nếu không có sự liên kết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh như hiện nay”, TS. Trần Du Lịch cho hay.
Kinh tế tư nhân phát triển có sự đóng góp rất lớn của doanh nhân Việt. (Ảnh minh họa: KT) |
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm cho rằng, thành công của doanh nhân là nguồn cảm hứng thúc đẩy quá trình khởi nghiệp và tạo ra công ăn việc làm mới; Thúc đẩy sự hình thành và phát triển các nghành nghề mới, kết nối với thế giới và thúc đẩy nền kinh tế phát triển, trong đó có kinh tế tư nhân. Bởi doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp của người dân. Quy mô của doanh nghiệp tư nhân thể hiện sức mạnh kinh tế, năng lực quản trị của người dân mỗi quốc gia.
Là một doanh nhân có hơn 2 năm hoạt động kinh doanh với mô hình kinh tế tư nhân, ông Phạm Ngọc Thành nhận thấy, kinh tế tư nhân có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của kinh tế đất nước. Do đó, ông mong muốn, cần có môi trường pháp lý, môi trường xã hội, môi trường chung cho doanh nghiệp, cùng với đó, phải tạo được khát vọng để doanh nhân phát triển.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác về phạm trù đạo đức của doanh nhân, ông Thành cho rằng, để thành công, yếu tố tiên quyết là người doanh nhân phải có đạo đức kinh doanh, tính trung thực và sự tôn trọng khách hàng. Tính trung thực đòi hỏi chủ thể kinh doanh không dùng các thủ đoạn gian xảo hoặc phi pháp để kiếm lời, cạnh tranh không lành mạnh.
“Cùng với đó, doanh nhân cần kinh doanh theo đúng chính sách, pháp luật do Nhà nước quy định; Chủ động hoàn thiện tổ chức, công tác quản trị, tìm kiếm và mở rộng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; Chủ động liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn với các doanh nghiệp có liên quan để cùng nhau hoàn thiện công tác quản trị và tổ chức sản xuất kinh doanh; Chủ thể kinh doanh phải chấp hành nghiêm luật pháp của Nhà nước.
Theo đó, doanh nghiệp, doanh nhân không trốn thuế, lậu thuế, sản xuất kinh doanh những mặt hàng quốc cấm. Đối với xã hội, chủ thể kinh doanh không được làm ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, thực hiện các trách nhiệm xã hội”, ông Phạm Ngọc Thành chia sẻ./.