Doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên
Một trong các điều kiện của doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ phải có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên và phải thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 5 tỷ đồng. |
Theo Dự thảo Luật người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài phải có đủ nhiều điều kiện.
Cụ thể, phải là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có 100% vốn góp của nhà đầu tư trong nước, có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên và phải thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 5 tỷ đồng.
Có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB&XH cấp.
Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn 5 năm và được gia hạn nhiều lần, tối đa mỗi lần 5 năm.
Doanh nghiệp được cấp giấy phép phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Dự thảo cũng nêu rõ về điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, sau khi doanh nghiệp đáp ứng quy định doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có 100% vốn góp của nhà đầu tư trong nước, có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 5 tỷ đồng, thì cần đáp ứng thêm các quy định: Đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại. Người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên, đã làm việc ít nhất 5 năm trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 10 năm trước khi đề nghị cấp giấy phép.
Có nhân viên chuyên trách và tổ chức bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Có cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bồi dưỡng kiến thức cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Dự thảo cũng quy định, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ LĐ-TB&XH xem xét cấp giấy phép cho doanh nghiệp sau khi lấy ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trường hợp không cấp giấy phép, Bộ LĐ-TB&XH trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.