Doanh nghiệp vật liệu xây dựng hướng ra thị trường nước ngoài
Bế tắc
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM), nhu cầu vật liệu xây dựng (VLXD) 5 tháng đầu năm giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất. Các ngành xi măng, gốm sứ, vật liệu không nung… đều có lượng tồn kho khổng lồ.
Tại hội thảo về chủ đề vật liệu xây dựng diễn ra cuối tuần qua, ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ, ông đã có thâm niên hơn 20 năm làm việc trong ngành và chưa thấy giai đoạn này khó khăn như hiện nay. Các doanh nghiệp trong ngành hiện đều rơi vào tình trạng chung là năng lực sản xuất vượt xa nhu cầu của thị trường. Khả năng tiêu thụ tại thị trường trong nước hiện rất thấp.
Trong lĩnh vực xi măng, năng lực sản xuất trong năm 2012 khoảng 60 triệu tấn nhưng khả năng tiêu thụ chỉ ở mức 53 triệu tấn. Với mặt hàng kính xây dựng, công suất thiết kế khoảng 150 triệu m2/năm nhưng tiêu thụ trong năm 2012 chỉ đạt khoảng dưới 50 triệu m2.
Ông Bắc cho rằng, những năm gần đây tình hình đầu tư sản xuất các mặt hàng vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp phát triển rất mạnh, vượt xa so với nhu cầu trong nước. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu suy thoái, kinh tế trong nước tăng trưởng thấp và hai năm gần đây bất động sản đóng băng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng. Trong 6 tháng còn lại của năm 2012, tình hình tiêu thụ trong nước khó tăng trưởng do quá trình đầu tư công giảm, bất động sản chưa phục hồi.
Xuất khẩu là giải pháp tạm thời
Với những khó khăn tại thị trường trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài là giải pháp đang được các doanh nghiệp tính đến. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp VLXD đã từng bước tìm thị trường xuất khẩu nhưng ông Bắc cho rằng xuất khẩu trong lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng.
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng đạt 765,9 triệu USD, tăng 86,4% so với năm 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đá xây dựng tăng gần 25%, gạch gốm xây dựng tăng 70%, sứ vệ sinh tăng 38%, xi măng tăng mạnh nhất với 293%… Các thị trường xuất khẩu chính là Bỉ, Úc, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan…
Theo ông Bắc, xuất khẩu là cách để các doanh nghiệp có được nguồn ngoại tệ, tăng thị phần từ đó tăng sản lượng sản xuất, khấu hao được tài sản để thu hồi vốn. Ngoài ra, xuất khẩu cũng giúp các doanh nghiệp tăng được giá trị thương hiệu. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nên xem xuất khẩu như một giải pháp tạm thời để giải quyết vấn đề tồn kho và đầu tư.
Nhưng đặc thù của ngành là các sản phẩm có trọng lượng lớn, nên ông Bắc cho rằng các doanh nghiệp nên tìm những thị trường xuất khẩu gần, để hạn chế phí vận chuyển. Do giá thành xuất khẩu các mặt hàng vật liệu xây dựng còn thấp nên trong tương lai, nếu xuất khẩu nên chọn những sản phẩm chất lượng cao, đem lại giá trị kinh tế.
Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), để đẩy mạnh xuất khẩu, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau để có tiếng nói chung. Còn ông Bắc thì cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng bộ phận chuyên trách xuất khẩu, xây dựng chiến lược xuất khẩu lâu dài, thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường cũng như tham gia các hội trợ triển lãm để quảng bá thương hiệu và sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Chỉ tiêu phấn đấu đến 2015, kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng đạt 2 tỷ USD, tăng 260% so với năm 2011. Các sản phẩm tập trung chủ yếu là cilke xi măng, gạch ốp lát, xứ vệ sinh. |
XUYẾN CHI