Doanh nghiệp rốt ráo tìm nguồn vaccine cho nhân viên
Các doanh nghiệp đang chủ động tìm vaccine để tiêm chủng cho người lao động, thông qua cơ quan chức năng và doanh nghiệp đầu mối.
Theo một lãnh đạo của Masan Group, với số lượng hơn 40.000 lao động, tập đoàn đang rốt ráo đi tìm nguồn vaccine phòng Covid-19 từ gửi công văn đến Bộ Y tế, Bộ Công Thương, UBND TP.HCM, Hà Nội và tận dụng một số mối quan hệ doanh nghiệp khác ở nước ngoài. Trong đó, doanh nghiệp tập trung vào các nguồn vaccine nước ngoài ở Nga và Australia.
Khi có vaccine, Masan sẽ ưu tiên tiêm phòng cho tuyến đầu là các nhân viên bán hàng, vốn tiếp xúc nhiều với bên ngoài và khả năng lây nhiễm cao. "Tìm được vaccine rồi, các chi phí như lưu kho, vận chuyển... doanh nghiệp sẽ phải chịu hết", vị này cho biết.
Các doanh nghiệp đang chủ động tìm nguồn vaccine để tiêm phòng cho toàn thể người lao động. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trong khi đó, ông Bennett Neo, CEO Sabeco, cho biết đang chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng vaccine phòng chống Covid-19 cho người lao động. Mặc dù từ chối tiết lộ thêm thông tin cụ thể, đại diện Sabeco cho hay đang làm việc đồng thời với các cơ quan chức năng lẫn một số doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu vaccine tại Việt Nam.
Hiện Sabeco có 44 công ty thành viên trong cùng hệ sinh thái và hơn 12.000 lao động trực tiếp là người Việt Nam.
Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề cũng ra sức tiếp cận các nguồn vaccine tin cậy và kêu gọi thành viên đăng ký tham gia. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết đang hợp tác với một số doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu vaccine tại Việt Nam.
Ông cho biết các đơn vị nhập khẩu cũng phải thương lượng với nhà sản xuất vaccine và chịu một số rủi ro, do đó cần làm việc với nhiều đối tác để gom đủ số lượng. Trong khi đó, mỗi hiệp hội tập hợp được rất đông doanh nghiệp thành viên với lượng lớn lao động.
"Riêng HAWA sau một ngày kêu gọi đã có hơn 50 doanh nghiệp đăng ký chờ nguồn vaccine với tổng số lượng trên 30.000 người", ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.
Ông nói thêm mức giá đang thương lượng được tương tự giá bán trên thị trường hiện nay của các loại vaccine.
"Tinh thần chung của doanh nghiệp là gánh vác khoản chi phí này, thậm chí không chỉ cho người lao động mà cả người thân", ông cho biết.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp hiện nay không phải chi phí, mà là thời điểm có vaccine cho người lao động. Đại diện HAWA cho biết phần lớn đơn vị đang cố gắng thương lượng để có vaccine ngay trong năm nay.
Khác với HAWA, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) vẫn chủ động tìm kiếm vaccine từ nước ngoài song song với làm việc cùng doanh nghiệp nội địa. Nguồn tin của Zing cho biết hiệp hội này đang thương lượng ít nhất 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho người lao động của các doanh nghiệp thành viên. Trong khi đó, tổng số lao động ở các công ty trong HAWA cũng lên đến hàng trăm nghìn người.
Tính đến chiều 1/6, Việt Nam có 36 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu vaccine Covid-19 và kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine. Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 có thể liên lạc với các công ty này.
Theo zingnews.vn