Doanh nghiệp phải “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng để được vay vốn
Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ do VCCI thực hiện từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện theo thời gian.
Tuy nhiên, đang có sự cải cách không đồng đều giữa các lĩnh vực khi một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực nhưng một số lĩnh vực khác chưa có những cải thiện đáng kể. Nói cách khác, có cơ quan nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức.
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, các lĩnh vực về đăng ký thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao, trong khi các lĩnh vực về phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu vẫn chưa có những cải thiện đáng kể theo đánh giá của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chỉ số nộp thuế là lĩnh vực Việt Nam có nhiều cải thiện mạnh mẽ được ghi nhận trong Báo cáo Doing Business 2020 do WB công bố. Theo Nghị quyết 02/2019/NĐ-CP, Chính phủ đặt ra mục tiêu cải thiện chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội trong Báo cáo Doing Business lên 30-40 bậc so với kết quả năm 2019, trong đó năm 2019 thứ hạng của Việt Nam cần tăng 7-10 bậc.
Trong năm 2019, những nội dung quan trọng nhất liên quan đến cải cách thủ tục hành chính thuế bao gồm việc tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT trong nộp thuế, và rà soát đơn giản hóa TTHC thuế.
Cũng theo VCCI, vấn đề tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn thứ hai đối với các doanh nghiệp, chỉ sau tìm kiếm khách hàng. Khó khăn về tiếp cận tín dụng còn cao hơn cả các khó khăn về tìm kiếm lao động phù hợp, tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp, cao hơn khó khăn về biến động thị trường, biến động chính sách pháp luật,...
Doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận tín dụng. |
Các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận tín dụng được mô tả trong thống kê về tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với các nhận định cụ thể: 40% doanh nghiệp cho rằng các ngân hàng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi; 86% doanh nghiệp cho rằng họ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp; 63% cho rằng lãi suất và các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân luôn khó khăn; 39% doanh nghiệp cho biết họ phải “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng để được vay vốn; 44% than phiền thủ tục vay vốn rất phiền hà.
Xét về tổng thể, điểm sáng đáng ghi nhận là tỷ lệ doanh nghiệp cho biết các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức có xu hướng giảm từ mức 66% năm 2016 xuống còn 54,8% năm 2018.
Điểm sáng thứ hai là tỷ lệ các doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức đã giảm từ 9,1% năm 2016 và 9,8% năm 2017 xuống mức 7,1% năm 2018. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được tăng từ 79% lên 81%.
Tuy nhiên, đi sâu vào “tham nhũng vặt” thì vẫn còn nhiều vấn đề. Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính không có nhiều chuyển biến. Năm 2018 vẫn ở mức 58,2% các doanh nghiệp cho biết họ gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính.