Doanh nghiệp khó "bó" tín dụng
Theo ông Phạm Xuân Hòe – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) tại hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2014, tính tới ngày 25/6 tổng phương tiện thanh toán (M2) và huy động vốn tăng 6%; tăng trưởng tín dụng đã nhích tăng lên 2,3%. So với con số 5 tháng đầu năm 2014, tín dụng trong tháng 6 đã tăng thêm khoảng 1%.
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm mới bằng 1/10 mục tiêu đề ra |
Thời gian qua chương trình tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cao, cộng với tín dụng ngoại tệ cũng có dấu hiệu tăng và chỉ số tín dụng trung – dài hạn tăng trên 4%... đã bù đắp và “đẩy” tín dụng nền kinh tế tăng lên mức 2,3%. Cùng với đó, sau một thời gian khó khăn các nhà băng đã dần phục hồi và đầu tư vào phần tài sản cố định nhiều hơn.
Tuy tín dụng đã nhích tăng hơn so với 5 tháng đầu năm, nhưng vẫn còn một số quan ngại. Dù đưa ra nhiều chương trình tín dụng song tín dụng vào sản xuất vẫn “tắc”. 6 tháng vừa qua dòng tiền các NHTM hầu hết tập trung 90% đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc Nhà nước. “Dòng tiền không đi vào sản xuất thực, đang lòng vòng trong hệ thống ngân hàng”- ông nói.
Nguyên nhân khiến tín dụng vẫn ì ạch, theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, là do năng lực hấp thụ vốn suy giảm. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu xuất phát từ khu vực đối ngoại (xuất khẩu và FDI) trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn, năng suất thấp.
Các “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình loay hoay tái cơ cấu, cổ phần hóa; hai ngành ngốn khá nhiều vốn vay là sản xuất thép và xi măng điều chỉnh giảm công suất và sản lượng do cầu trong nước giảm thì cơ hội tăng tín dụng chưa nhiều.
Khối doanh nghiệp tư nhân thì đã có sự ra đi của hơn 60.000 doanh nghiệp do khó khăn hoặc cách thức làm ăn thiếu hợp lý. Hiện tại, doanh nghiệp khối này đang co cụm, chống đỡ khó khăn như phải thuê văn phòng chung, nợ xấu vẫn đang tồn tại nên đương nhiên điều kiện để vay vốn càng suy giảm hơn, cơ hội tăng tín dụng vào nhóm khách hàng này rất khó.
Còn lại, khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được xem là khả dĩ nhất, làm ăn có hiệu quả, nhưng họ lại chủ động về vốn từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc vay chủ yếu ngoại tệ ngân hàng ở nước ngoài.
“Ba năm qua nền kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đã bị vắt kiệt sức và suy giảm sức khỏe đáng kể. Nếu cầu nền kinh tế (cầu tiêu dùng, cầu đầu tư, chi tiêu Chính phủ...) không tăng, thì tín dụng ngân hàng không thể ra được”- ông nhấn mạnh.