Doanh nghiệp ICT bỏ phí lợi thế xuất khẩu hàng Việt sang Nhật
Theo Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJSEP) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) thì ngay từ khi các Hiệp định này có hiệu lực (tháng 12/2008), các mặt hàng máy tính, linh kiện nhập khẩu vào Nhật Bản từ Việt Nam đã được hưởng thuế suất 0%. Về phía Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, đã có tới 2.586 dòng thuế được xóa bỏ, chủ yếu là những dòng thuế liên quan tới hóa chất dược phẩm, máy móc điện tử.
Sản phẩm điện tử, linh kiện, máy vi tính là mặt hàng được Nhật Bản ưu đãi thuế suất nhập khẩu 0% ngay từ cuối năm 2008. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Thế nhưng, nhìn vào cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2011 vẫn chưa thấy có tên máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện. Trong khi đó, nhìn vào cơ cấu mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Nhật Bản thì máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện chiếm tới 11%.
Có vẻ như việc cắt giảm thuế quan chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất máy vi tính, sản phẩm linh kiện, điện tử Nhật Bản, còn DN Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội về thuế này.
Trao đổi với phóng viên ICTnews về vấn đề trên bên lề Hội thảo "Thị trường Nhật Bản - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức sáng 22/5/2012 ở Hà Nội, ông Vương Đức Anh, Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương lý giải: Ngành sản xuất điện tử, CNTT ở Việt Nam chủ yếu là gia công phần mềm, việc chỉ định thị trường xuất khẩu tùy thuộc ở đối tác thuê mình gia công. Bởi vậy, chưa thể tận dụng được cơ hội cắt giảm thuế quan từ các hiệp định với Nhật Bản.
Mặt khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện chưa được nhìn nhận là mặt hàng điển hình có tiềm năng xuất khẩu sang Nhật Bản, dù rằng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật thời gian qua khá cao (năm 2011 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 146% so với năm 2010, riêng 2 tháng đầu năm 2012 đã đạt 58,8 triệu USD).
Chia sẻ với phóng viên ICTnews về nguyên nhân khiến máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện chưa thể đạt tính điển hình như sắt thép, gỗ nội thất, nông sản, giày dép,… ông Võ Thanh Hà, Trưởng Phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương cho biết: dù kim ngạch cao nhưng giá trị thu về cho đất nước của máy vi tính, sản phẩm điện tử linh kiện chưa đạt tỷ lệ cao bằng các mặt hàng điển hình vừa nêu. Đơn cử với sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tuy kim ngạch xuất khẩu nhỏ nhưng mình làm ra bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu chứ không rơi vào túi của nhà đầu tư nước ngoài. Còn với máy vi tính, linh liện, điện tử thì phần lớn DN sản xuất đều có vốn đầu tư nước ngoài hoặc phải sử dụng công nghệ của nước ngoài, vì thế giá trị xuất khẩu thu về cho đất nước chỉ được một phần trong tổng số giá trị thu được từ xuất khẩu.