Doanh nghiệp đua giảm giá để khơi thông thị trường
Doanh nghiệp giảm giá để “cứu” sức mua
Theo Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tồn kho sản phẩm. Trong đó, lượng tồn kho đồ uống không cồn tăng 23,8%; bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%; giấy nhăn và bao bì tăng 130%; sản xuất xi măng tăng 29,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 25,7%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 23,1%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 8,7%... Nguyên nhân là do sức mua của người dân chững lại, sản phẩm tồn kho cao làm cho doanh nghiệp không thể đầu tư thúc đẩy sản xuất, khiến nền kinh tế cả nước chững lại một cách rõ rệt.
Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp đã giảm giá nhiều mặt hàng để lưu thông hàng hóa và hút người tiêu dùng. Đơn cử như Big C đã cam kết giảm giá 300 sản phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, khác với những lần trước là chỉ mạnh các chương trình khuyến mãi, tặng kèm sản phẩm cùng loại hoặc một sản phẩm khác, lần này Big C đã đàm phán thành công với các nhà cung cấp để giảm giá các mặt hàng.
Về phía nhà sản xuất thực phẩm, quần áo, giày dép… để giảm hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược giảm chi phí logistic, vận chuyển trực tiếp đến điểm bán. Chẳng hạn như để giải phóng hơn 32.000 đơn vị quần áo may sẵn tồn kho từ giữa năm 2011 đến nay, doanh nghiệp tư nhân may mặc Phúc Long (Q.12) đã liên kết với Công ty Thương mại Hòa Bình (Bình Phước) đem hàng giao tận tay các tiểu thương ở một số chợ vùng cao Bình Phước, Đăk Nông, Gia Lai để tiêu thụ.
Để bán được hàng tồn kho, ngoài hạ một phần giá bán cho phù hợp với nhu cầu của người mua, Công ty đã chọn phương án gửi theo xe khác, tiểu thương đến nhà xe lấy hàng để tăng được thêm chút lợi nhuận.
Tương tự, bà Hà Thị Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH An Minh (Q.9) chuyên sản xuất các loại thực phẩm chế biến cho rằng, nhà sản xuất không muốn hàng tồn kho vào thời điểm này là phải cắt giảm tối đa chi phí sản xuất để sản phẩm có giá thành hạ, chiết khấu hợp lý cho người bán, đẩy mạnh khâu tiếp thị và sản xuất những mặt hàng có sức hút người mua theo từng thời điểm của thị trường.
Thúy Ngà