Doanh nghiệp “bùng” bán gạo cho Dự trữ Nhà nước: Chịu thua vì thiếu chế tài?
Hủy thầu hàng loạt
Theo tìm hiểu, từ ngày 11/4 đến 15/4, Cục Dự trữ Nhà nước nhiều khu vực đã thông báo hủy thầu và hủy kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020. Lý do hủy vì nhà thầu không đến hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên thông báo hủy 6 gói thầu. |
Đơn cử, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên ngày 11/4 thông báo hủy 6 gói thầu trúng cung ứng cho Dự trữ Nhà nước hơn 5.700 tấn gạo năm 2020 cho kho gạo dự trữ thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên bị hủy, trong đó có 4 gói thầu gạo nhập kho dự trữ quốc gia 2020 tại Chi cục Dự trữ Đắk Lắk; 2 gói thầu cung cấp 1.900 tấn gạo nhập kho dự trữ Chi cục Dự trữ Nhà nước Lâm Đồng. Số tiền thu bảo lãnh dự thầu, nộp ngân sách Nhà nước của 6 doanh nghiệp nói trên là 800 triệu đồng.
Ngày 13/4, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ cũng thông báo hủy thầu 2 gói và hủy kết quả lựa chọn nhà thầu 4 gói thầu trúng cung cấp 4.500 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020 tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Cần Thơ.
Thông báo hủy các gói thầu của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ ngày 13/4. |
Trong đó, hủy 2 gói thầu đối với Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc với lý do nhà thầu từ chối thương thảo hợp đồng; thu hồi hơn 198 triệu đồng tiền bảo đảm dự thầu nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Còn lại hủy kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 4 gói thầu của các doanh nghiệp còn lại với lý do nhà thầu không đến hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
Tương tự, ngày 15/4, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh Phú cũng thông báo hủy kết quả lựa chọn các nhà thầu trúng thầu và hủy thầu đối với 8 gói thầu thuộc dự án mua 9.500 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia kế hoạch năm 2020. Lý do nhà thầu từ chối ký kết hợp đồng.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh Phú thông báo hủy kết quả lựa chọn các nhà thầu trúng thầu và hủy thầu đối với 8 gói thầu thuộc dự án mua 9.500 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia. |
Trong đó, hủy 2 gói thầu đối với Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh. Còn lại 6 gói thầu của các doanh nghiệp khá c tu hơn 1,7 tỷ đồng tiền bảo đảm dự thầu của nhà thầu nộp vào ngân sách nhà nước.
Chế tài nào buộc nhà thầu phải thực hiện?
Trước tình trạng hàng loạt các doanh nghiệp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia, trao đổi với PV chiều 15/4, ông Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết việc này vô cùng ảnh hưởng đến lượng gạo mua dự trữ theo kế hoạch mà Chính phủ giao cho Tổng cục.
Còn với doanh nghiệp trúng thầu mà hủy thầu thì theo quy định của Luật Đấu thầu chỉ thu tiền bảo lãnh dự thầu.
“Tổng cục đã báo cáo Bộ Tài chính và Bộ đã cho phép Tổng cục đấu thầu lại”, ông Đức cho hay.
Vậy, giải pháp nào để buộc các doanh nghiệp đã trúng thầu phải ký hợp đồng giao gạo cho Cục Dự trữ?
Trả lời câu hỏi này, ông Đức cho biết: “Hiện nay pháp luật không ràng buộc, Luật Đấu thầu không có chế tài, chỉ có thu 1-3% tiền bảo đảm dự thầu theo giá trị, quy mô từng gói thầu”.
Thiếu chế tài như vậy thì làm sao để đảm bảo thu mua gạo dự trữ đạt kế hoạch được giao, ông Đức cho hay sẽ triển khai đấu thầu lại đối với số lượng mà các doanh nghiệp đấu thầu lần 1 chưa thực hiện được để phấn đấu đủ số lượng gạo Chính phủ giao cho Tổng Cục dự trữ Nhà nước năm 2020.
Ông Đức cho biết, hiện nay số gạo đã ký hợp đồng để nhập kho chỉ đạt 7.700 tấn trên tổng số 190.000 tấn mà Thủ tướng giao. Số còn lại hơn 182.000 tấn sẽ tổ chức đấu thầu lại.
Với tình hình này thì liệu việc đấu thầu lại có đảm bảo được đủ số lượng gạo theo kế hoạch được giao? Ông Đức cho rằng, khó có thể nói trước mà cũng chỉ biết phụ thuộc vào kết quả đấu thầu.
“Tổng cục cũng chỉ mong muốn thực hiện đấu thầu đúng quy định và hy vọng các nhà thầu sẽ thực hiện theo kế hoạch của Tổng cục”, ông Đức nói.
Liệu Tổng cục có kiến nghị nào để thêm chế tài đủ mạnh buộc các doanh nghiệp trúng thầu phải thực hiện theo kết quả đấu thầu? Ông Đức khẳng định không thực hiện được vì chế tài phải theo Luật Đấu thầu, mà luật này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ban hành thì các Bộ ngành khác phải thực hiện.