Đoàn Văn Vươn từng "khổ hơn một người ăn mày” (Kỳ 1)
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà riêng ở TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương, sau một hồi giới thiệu, trao đổi, ông Nguyễn Đình Đạt sốt sắng mở tủ lấy hồ sơ và mạch lạc kể cho chúng tôi nghe về “khổ nợ” hơn chục năm qua của mình khi nhận đắp đầm tôm cho ông Đoàn Văn Vươn.
Ông Đạt kể, năm 1993, khi đang làm đầm cho ông Bút ở Lập Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng, ông được một người tên Trượng đến đặt vấn đề giúp anh Vươn đắp khu đầm nuôi tôm ở cống Rộc. Trên cơ sở thỏa thuận, ông đã đưa một máy cẩu, một máy hàn cùng một nhóm thợ (5, 6 người) đến làm liên tục suốt 2 năm cho anh Vươn tại cống Rộc. Thời gian này, cùng với ông Vươn, còn có ông Sịnh và ông Quý (anh, em ruột của ông Vươn) trực tiếp theo dõi tiến độ, phụ giúp cho nhóm thợ. Mỗi ngày làm việc ở đó, nhóm thợ của ông Đạt được cấp 2 can 20 lít nước ngọt để ăn uống, sinh hoạt. Ban đầu, họ phải cắm cọc tiêu, lấy đất tại chỗ để hình thành những bờ đập. Nhưng do lượng đất bùn ở chân nhiều nên để hình thành các bờ đầm rất vất vả, đất đắp lên rồi lại trôi sang hai bên. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của nhóm thợ, trong một khoảng thời gian dài, cuối cùng “hình hài” của những bờ đầm cũng dần được hình thành vào năm 1994.
Ông Nguyễn Đình Đạt, người trực tiếp đắp đầm cho gia đình ông Vươn từ những ngày đầu |
Theo ông Đạt, đó chỉ là sự vất vả trong những ngày đầu đắp đầm. Còn về sau, để các bờ đập trở nên vững chãi, gia đình ông Vươn phải thuê nhiều người bồi đắp một khối lượng lớn đất đá, xi măng với không ít thời gian và tiền của.
Trả lời câu hỏi, ước tính số tiền mà giữa đình ông Vươn đã phải chi phí khi làm đầm để trả cho riêng nhóm thợ của ông Đạt trong 2 năm (1993-1994), ông bảo “thì anh tính, với giá 350.000 đồng/giờ mà làm suốt 2 năm trời liên tục, chỉ trừ những ngày con nước không thể làm được. Nói cách khác, đắp cả một cái đập rộng như thế, dài mấy cây số như thế, cứ chờ đất khô lại quay lại đắp tiếp cho cao lên, thì biết là bao nhiêu rồi. Số tiền cũng nhiều lắm đấy”.
Nhắc lại chuyện cách nay đã gần 20 năm, ông Đạt cho biết: “Khi hoàn thành công việc, thấy Vươn là người sòng phẳng, nhưng khó khăn, thằng Tuyến con trai tôi thương và bảo “em biếu anh tiền mua chiếc xe Win (xe máy côn tay của hãng Honda)”. Giá một chiếc xe như vậy khoảng trên 17 triệu đồng, nhưng Tuyến đưa cả 20 triệu đồng. Tuy nhiên Vươn có mua được xe đâu, nó lại đem đầu tư hết cho đầm tôm”.
Đầm đắp chưa được bao lâu, năm 1996 cơn bão số 5 oan nghiệt đã phá đi thành quả mà cả gia đình ông Vươn đã bỏ bao công sức và tiền bạc tạo nên, chỗ vỡ dài trên 100m, sâu 5 - 6 mét bờ đầm. Trong cơn khốn cùng, tiền hết, vốn đầu tư nuôi trồng thuỷ sản trôi ra biển, chẳng còn biết bấu víu vào đâu, ông lại tìm đến cầu cứu “chú Đạt”. “Đó là lần đầu tôi thấy thằng Vươn khóc, còn lần sau là khi đứa con gái tám tuổi của nó chết vào năm 2001 ở cống Rộc. Lúc đó nó còn khổ hơn một thằng ăn mày”, ông Đạt nhớ lại.
Hợp đồng kinh tế về việc đắp đầm nuôi trồng thủy sản tại xã Vinh Quang giữa ông Vươn và ông Đạt |
Cũng theo ông Đạt, thấy ông Vươn quá khốn khó, nên trước khi vá đầm, ông bảo sẽ giúp bằng cách chỉ tính giá 250.000 đồng/1 giờ thay vì đơn giá chung là 350.000 đồng/giờ và phải lo xăng dầu, tiền ăn cho thợ còn lại ông tạm cho nợ.
Tại “Biên bản thanh lý hợp đồng” được ký ngày 18/3/2002 giữa ông Vươn và ông Nguyễn Văn Ngân – Đội trưởng Đội máy ngoạm, đại diện cho ông Đạt, kinh phí cho việc bồi trúc đầm, lấp lỗ vỡ, đắp bờ phụ cho khu đầm tôm của anh Vươn khi đó là 630.500.000 đồng, nhưng anh Vươn chỉ trả được 34.710.000 đồng và còn nợ lại 595.790.000 đồng.
Tại bản thanh lý này, hai bên thừa nhận “Bên A (ông Vươn) đã không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng kinh tế đã ký. Nguyên nhân do A chưa vay được vốn ngân hàng”. Và để giải quyết, hai bên thống nhất “bên A phải tìm mọi biện pháp vay các nguồn vốn để trả B, thời gian không quá 1 tháng kể từ khi thanh lý hợp đồng. Nếu quá thời hạn trên thì A phải trả B theo lãi suất thỏa thuận là 1% tháng theo lãi suất ngân hàng, không được chậm quá 3 tháng”.
Biên bản thanh lý hợp đồng đắp đầm giữa ông Vươn và đại diện của ông Đạt |
Tuy nhiên, theo ông Đạt, “thống nhất với nhau là vậy, kể cả có văn bản thanh lý rõ ràng, nhưng thằng Vươn khi ấy làm gì có tiền. Nó còn phải nhờ tôi vay thêm”.
Điều này được thể hiện bằng chữ viết nhận nợ của anh Vươn ở phần sau trong chính tờ giấy ghi bản hợp đồng ký ngày 18/3/2001. Theo đó, anh Vươn không những không đủ tiền ứng trả cho mà còn vay thêm của ông Đạt 106 triệu đồng (ngày 17/4/2001: 30 triệu đồng, ngày 6/9/2001: 6 triệu đồng, ngày 13/11/2001: 70 triệu đồng. Đến ngày 16/9/2005, anh Vươn trả được 50 triệu đồng). Như vậy, số tiền mà ông Vươn nợ lại ông Đạt riêng ở đợt vá đầm năm 2001 cùng với số tiền vay thêm (đã trừ 50 triệu trả năm 2005) là 651.710.000 đồng.
Giấy vay nhận nợ của ông Vươn với ông Đạt |
Về khoản nợ này, ông Đạt nói: “Khi Vươn bảo “chú muốn tính bằng tiền hay vàng”, tôi nói với nó “tao thế nào cũng được, muốn trả tiền hay vàng tùy mày”. Vào thời điểm đó, hơn 500 triệu tương đương với 125 cây vàng, và theo Vươn thì chuyển sang vàng sẽ dễ tính hơn”.
Như vậy, nếu tính theo giá vàng vào thời điểm đó thì khoản thực nợ này cùng với lãi suất (1%) như thỏa thuận, số tiền ông Vươn còn nợ ông Đạt hơn 10 năm qua không chỉ dừng lại ở con số 125 cây vàng.