Đoàn giám sát Quốc hội truy vấn vụ Hoàng Công Lương
Ngày 7/8, đoàn giám sát của Quốc hội (QH) về việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự đã có cuộc làm việc với các cơ quan Trung ương. Một số đại biểu (ĐB) QH đã nêu câu hỏi về vụ án Hoàng Công Lương liên quan đến sự cố tai biến chạy thận ở Hòa Bình khiến tám người tử vong.
Tòa xử xong rồi còn có báo cáo
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nêu việc Bộ Y tế vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho rằng nguyên nhân tử vong có thể do nhiễm đa chất mà không phải là nhiễm đơn chất như trong kết luận điều tra.
Bà Hoa hỏi: “Đề nghị Bộ Công an và Bộ Y tế báo cáo tại sao xảy ra tình trạng vụ án đã xong xét xử phúc thẩm rồi mới có báo cáo lại về nguyên nhân gây chết. Cơ quan nào giám định tử thi trong vụ việc này? Nếu có sai sót thì xử lý thế nào?”.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho rằng vụ án Hoàng Công Lương được cả dư luận xã hội quan tâm, trở thành tâm điểm trong thời gian vừa qua.
“Báo chí vừa đăng thông tin vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế trả lời rằng hệ thống lọc có vấn đề, quá trình điều tra người ta lại tháo ra bán. Vừa rồi, Vụ Pháp chế mới cho người đi tìm và mua lại để lắp ráp, khôi phục. Có việc này không? Nếu thiết bị này có liên quan trực tiếp đến hậu quả vụ án thì hệ thống này có phải là đối tượng phải được giám định trong vụ án này hay không? Thực tế nó được giám định hay chưa? Nếu có vai trò như vậy thì đây phải là chứng cứ trong vụ án nhưng tại sao lại tháo ra bán như vậy?” - ông Sơn hỏi tiếp.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương và Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa. (Ảnh: ĐỨC MINH) |
Đề nghị kiểm tra lại và trả lời
Trả lời sau đó, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: Ngày 6-3-2019, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Thủ tướng nêu về vấn đề này. Theo ông Vương, để đưa ra xét xử vụ án này, cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp và các ngành chức năng đã có thảo luận kỹ vấn đề trên.
Chiều 7/8, trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho biết ông có ký một văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về diễn tiến mới liên quan đến vụ án này. Ông Tiến không khẳng định việc Bộ Y tế đã kiến nghị xem lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm hay chưa. Trong khi trao đổi với báo chí ngày 6-8, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết trong tuần này, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm. |
“Xem lại báo cáo của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, khi đưa ra kết luận về nguyên nhân tử vong của tám nạn nhân, viện đã tổ chức hội thảo khoa học, mời các nhà khoa học, chuyên gia của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), BV Việt Đức, BV Bạch Mai, Khoa thận, Khoa chống độc (BV Bạch Mai), ĐH Y Hà Nội, Viện Pháp y quân đội, Viện Pháp y Quốc gia… tham gia” - ông Vương nói và cho rằng đây là vấn đề liên quan đến tranh cãi khoa học nên ông không muốn đề cập sâu.
Tương tự, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn cũng cho rằng các cơ quan tố tụng đã rất cẩn trọng khi xem xét, giải quyết vụ án này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay ông đi họp thay cho thứ trưởng phụ trách lĩnh vực. “Chúng tôi nhất trí với ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an, VKSND Tối cao và không có ý kiến gì thêm” - ông nói.
Ông Nguyễn Bá Sơn phát biểu tiếp: “Anh Vương, anh Phàn nói thì chính xác rồi. Nhưng ở đây có câu chuyện là vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cung cấp một loạt thông tin, trong đó có hai thông tin rất đáng chú ý. Thứ nhất là có căn cứ để khẳng định nguyên nhân khiến tám nạn nhân tử vong không phải như kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng và bản án của tòa. Thứ hai, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Thủ tướng để kiến nghị xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Điều này đang tác động tạo ra hệ lụy về chính trị-tư pháp rất nguy hiểm. Đề nghị Bộ Y tế xem xét lại việc này”.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra lại thông tin và trao đổi với các ĐBQH đã đặt câu hỏi
Văn bản của Bộ Y tế gửi Thủ tướng nói gì? Theo văn bản vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký gửi Thủ tướng Chính phủ, nguyên nhân tử vong của tám người bệnh có thể do nhiễm đa chất, trong đó HF và ô nhiễm từ nước do ba van trong hệ thống nước sử dụng cho chạy thận bị hỏng, không phải đơn chất như trong kết luận điều tra. Theo Bộ Y tế, còn nhiều câu hỏi trong vụ án chưa được trả lời rõ ràng như việc cơ quan điều tra đã giám định chất lượng nước toàn bộ hệ thống, phương pháp và cơ quan kiểm định, đã tìm hiểu cơ chế tồn dư HF trong hệ thống, việc đồng hồ và ba van bị hỏng... hay chưa. Bộ Y tế cho rằng một số luận cứ then chốt về nguyên nhân tử vong của tám bệnh nhân trong vụ tai biến chạy thận chưa được làm sáng tỏ. Nguyên nhân tử vong, con đường dẫn tới vụ việc chưa được làm rõ mà đã tuyên án, bản án do đó chưa khách quan, không có giá trị khoa học và không thuyết phục. Cũng theo công văn, vụ án sự cố chạy thận đã làm dậy sóng dư luận ngành y, gây tâm lý bất an cho toàn bộ cán bộ trong ngành nên Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng xem xét toàn bộ vụ việc. |