DN vừa và nhỏ gặp khó vì thị trường tiêu thụ
Trao đổi với PV, ông Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN cho biết, so với nhu cầu thì hiện nay tính thanh khoản đã tăng lên, nhưng tính thanh khoản lại không đều giữa các Ngân hàng. Có ngân hàng thanh khoản rất tốt, có ngân hàng thanh khoản rất xấu. Đối với những ngân hàng có thanh khoản xấu, khả năng đáp ứng không có, nên tìm đủ mọi cách “lách luật” cho vay, gây nên rối loạn tín dụng...Còn đối với Ngân hàng có nhiều vốn, thì khả năng DN lại không đáp ứng được.
Nói tóm lại nơi, thiếu vốn vẫn thiếu vốn, nơi thừa vốn vẫn thừa… Vì vậy, chúng ta phải có chính sách quản lý đối với những ngân hàng yếu kém để tăng khả năng cho vay, thanh khoản… giúp thị trường tín dụng đỡ méo mó.
Theo ông Kiêm, cần có cơ chế minh bạch công khai giữa DN và Ngân hàng, có những cải tiến để đáp ứng cho các DN vay vốn, ngược lại DN cần phải vươn lên để đáp ứng những quy định, yếu tố vay vốn đúng nguyên tắc lành mạnh và có khả năng trả nợ.
Để DN phá sản rồi mới cứu e không kịp |
Việc giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp là chủ trương rất đúng, nhưng khi triển khai thì số lượng DN được vay chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên nhân là chính sách mới triển khai nên chưa có hiệu quả ngay mà có độ trễ. Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, do sản xuất suy giảm, thị trường eo hẹp, trong khi vật tư, chi phí tăng lên nên các doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện của ngân hàng.
Hiện nay, sức mua giảm, giá tăng, sản xuất ra tiêu thụ không được nên ngân hàng ngại cho vay, mà doanh nghiệp cũng không dám vay. Vay rồi mà sản xuất ra không bán được thì ngân hàng và doanh nghiệp đều gay go. Có một vấn đề nữa là ngân hàng thường chọn khách hàng truyền thống của họ, nên DN khó khăn đến gõ cửa thì Ngân hàng cũng dè dặt. Đây là những lý do khiến cho chủ trương giảm lãi suất đúng nhưng triển khai rất chậm, nhiều trục trặc và chưa đi vào cuộc sống.
Nơi thừa tiền thì vẫn thừa, nơi thiếu vốn thì vẫn thiếu |
Trước đây mục tiêu gói kích cầu là dành cho đối tượng DN khó khăn để tháo gỡ, nhưng thực tế lại đi vào đối tượng khác, không khó khăn. Nếu như, số tiền được ưu tiên lãi suất như trên tiếp tục dùng sai mục đích cũng sẽ xảy ra nhiều tiêu cực như trước đây…gây hậu quả cho ngân hàng và các đối tượng được vay. Đó là những khiếm khuyết mà cần phải khắc phục và xử lý để tránh lặp lại vết xe cũ.
Ông Kiêm cho rằng, để tiền đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn cần có một cơ chế, chế tài để buộc các ngân hàng thương mại chuyển vốn vào các đối tượng được ưu tiên đồng thời kiểm tra, kiểm soát kịp thời để răn đe và uốn nắn dòng vốn đúng lúc, tránh việc dòng vốn đi không đúng chỗ.
Trước mắt là phải gỡ từ phía bảo lãnh cho họ vay vốn, không nên để DN tự bơi, đến lúc DN giải thể, phá sản rồi mới cứu, e là không kịp cứu cả nền kinh tế, vì doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp rất lớn trong GDP và tạo ra công ăn việc làm cho xã hội./.
NGUYỄN HIẾU