DN phải chủ động giải quyết hàng tồn kho
Bộ trưởng Công thương: Giải quyết hàng tồn "khủng" không khó
Sau khi lấy ý kiến góp ý về Đề án tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàng đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí.
-Vấn đề khó nhất hiện nay là hàng tồn kho tăng, sức mua giảm, vậy Bộ Công thương có hỗ trợ gì để giải quyết khó khăn này cho doanh nghiệp, thưa ông?
Ngoài những kiến nghị mà Bộ Công thương đã nêu một cách đầy đủ trong đề án, theo tôi để giảm hàng tồn kho, tăng tiêu thụ cho doanh nghiệp, chúng ta cần thực hiện ngay một số giải pháp trong thời gian tới.
Thứ nhất, đứng ở góc độ Nhà nước thì Chính phủ cũng như các bộ, sở, ban, ngành cần tiếp tục thực hiện triệt để Nghị quyết 13 của Chính phủ.
Thứ hai, các bộ tiếp tục thực hiện theo các quy định được ban hành như Bộ Tài chính, NHNN…; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước; nâng cao khả năng cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm; tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp không những vượt qua khó khăn trong giai đoạn này mà sống khỏe trong năm 2013.
Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp phải tự cố gắng, nỗ lực, chủ động tìm giải pháp cho mình chứ không thể dựa hết vào Chính phủ và các bộ, ngành được. Nếu giải pháp này thực hiện đồng bộ thì việc giải quyết vấn đề hoàn toàn không có gì khó khăn.
- Thưa ông, đề án nói là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng trong giải pháp lại đi nhiều vào doanh nghiệp điện và than?
Tôi không nghĩ là như vậy vì giải pháp đã được phân bố và tập trung ở nhiều lĩnh vực còn điện và than chỉ là ngành tạo điều kiện nhiều cho các doanh nghiệp khác sản xuất. Giải pháp là tập trung đối với tất cả doanh nghiệp lớn nhỏ, trong và ngoài nước, dịch vụ lẫn thương mại.
- Doanh nghiệp đồng tình với Bộ Công thương về đề án này nhưng điều mà họ băn khoăn làm sao để các giải pháp được thực hiện nhanh hơn? Bộ trưởng có thể cho biết cần chờ trong thời gian bao lâu để đề án tháo gỡ khó khăn này đi vào cuộc sống?
Đã có giải pháp rồi nhưng làm sao để giải pháp thực hiện theo mục tiêu đề ra buộc chúng ta phải lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp. Sau khi lấy ý kiến xong, được Chính phủ đồng ý thì đề án này sẽ đi ngay vào cuộc sống. Tuy nhiên, ngoài việc chỉ đạo quyết liệt của các bộ, các ngành trong đó có Bộ Công thương thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan. Không có việc gì làm được mà chỉ có sự kiểm tra theo dõi của một cơ quan chức năng.
Đề án này sau khi lấy ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp ở phía Nam, Bộ Công thương cũng làm việc ở Hà Nội để lấy ý kiến các bên liên quan sau đó sẽ chia theo nhóm và trình Chính phủ.
- Các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối diện với thuế bảo vê môi trường và thuế xuất khẩu không hợp lý, vậy Bộ Công thương có tác động gì để giải quyết cho DN hay không?
Những ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến vấn đề thuế, thủ tục, các bộ, các ngành thì đã được phản ánh đến Chính phủ, NHNN và các bộ liên quan để xem xét. Tôi hy vọng đề án này khi đi vào thực tế thì sẽ giảm nhiều áp lực cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
T. GIANG
(thực hiện)