DN Nhật sẽ làm khu thương mại ngầm gần 7.000 tỷ ở Sài Gòn
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành đồng bộ với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng nguồn vốn ODA để thực hiện cấu phần xây dựng lối đi, quảng trường và các công trình phụ trợ ngầm công cộng tại khu vực này.
Phối cảnh Trung tâm thương mại ngầm được xây dựng bằng vốn ODA |
TP HCM kiến nghị thực hiện các hạng mục trên của Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành theo hướng bổ sung khối lượng và chi phí vào dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên sử dụng vốn ODA của JICA. Kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho UBND TP HCM xem xét và quyết định điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 này theo quy định với nội dung bổ sung như trên, để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành nằm tại khu vực trung tâm TP HCM, ngầm phía dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc theo đường Lê Lợi, từ chợ Bến Thành đến khu vực Nhà hát thành phố.
Trung tâm được đặt tại tầng hầm B1 của Nhà ga Trung tâm Bến Thành và đoạn đi ngầm bên dưới đường Lê Lợi (dài khoảng 500 m) của tuyến đường sắt đô thị số 1, với tổng diện tích khoảng 45.000 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 6.865 tỷ đồng.
TP HCM kiến nghị được chỉ định Liên danh gồm Công ty Cổ phần TOSHIN Development, JOIN, Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd và Osaka Chikagai Co., Ltd (đại diện là Công ty TOSHIN) là nhà đầu tư thực hiện dự án đối với cấu phần cửa hàng/thương mại thuộc Khu trung tâm thương mại ngầm dưới hình thức PPP, áp dụng theo Luật Đấu thầu năm 2013.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga: Bến Thành, Nhà hát thành phố, Ba Son) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga: Công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên và bến xe Suối Tiên).
Dự kiến, tuyến metro đầu tiên này sẽ hoàn thành vào năm 2019 và đưa vào sử dụng từ năm 2020.
Nguồn Zing