DN kinh doanh thịt lợn 'phát hoảng' vì giá thịt bán lẻ
Bên lề hội nghị “Triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi” ngày 26/12, nói về việc nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Hiện nay chúng ta đang tiến hành công tác nhập khẩu, bao nhiêu tấn thì do trường. Thị trường thiếu thịt lợn đến đâu thì nhập khẩu đến đó, đảm bảo cân bằng nhu cầu tiêu dùng của người dân”.
Cũng theo Bộ trưởng, cần thúc đẩy sản xuất trong nước làm nền tảng, bên cạnh đó là áp dụng biện pháp thương mại lành mạnh, không để xuất hiện tình trạng trục lợi, găm hàng, làm giá,…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp thống nhất cùng nhau để đưa ra mức giá tích cực nhất, hợp lý nhất, với phương châm bền vững, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu chứ không chỉ lo mỗi Tết trước mắt. Doanh nghiệp đừng “tham bát bỏ mâm”, chạy theo lợi ích ngắn hạn.
Trong bối cảnh khó khăn của chăn nuôi lợn hiện nay, các doanh nghiệp phải lấy tinh thần chia sẻ, có trách nhiệm với thị trường, không cố tình găm hàng đẩy giá để thu lợi cho riêng mình trong ngắn hạn.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin cho hay, hiện tại Tập đoàn cung cấp ra thị trường 30.000 con lợn/tháng, nhưng trong tháng 1-2 sẽ tăng thêm 20%, kế hoạch tăng đàn này đã có từ trước.
Hiện tại giá bán lợn hơi của Mavin đang ở mức 84.000 đồng/kg. Hai tuần lại gần đây, lượng cung và giá ổn định.
“Trước khủng hoảng, giá lợn hơi ở mức 42.000 đồng/kg, nay tăng gấp đôi, nhưng ở Trung Quốc thì giá đã tăng lên gấp 3. Với sự vào cuộc nỗ lực của chính phủ, bộ ngành, mức độ chênh giá của chúng ta thấp hơn, chúng ta nên tự hào vì việc đó”, ông Lương nói.
Cũng theo ông Lương, chỉ còn 30 ngày nữa đến Tết, đáng ra giá lợn hơi rất cao nhưng hiện tại giá chưa tăng nhiều là vì lượng cung không thiếu. Mặt khác, khi giá cao, nhu cầu cũng giảm.
“Giá lợn hơi 85.000 đồng/kg không phải là cao nhưng tại sao giá thịt cho người tiêu dùng là 250.000, thậm chí có thông tin cho biết có nơi giá lợn lên gần 300.000/kg là rất cao, ảnh hưởng đến dân sinh. Vì thế các cơ quan quản lý nên kiểm tra việc chênh lệch giá”, ông Lương nói.
Về việc nhập khẩu, theo ông Lương, Chính phủ đã chỉ đạo, nếu thiếu thịt thì nhập, đúng là chúng ta không hạn chế được việc nhập khẩu nhưng cần cân đối nhập khẩu và cân bằng duy trì nền chăn nuôi.
“Không thể hội nhập quá mà phá hủy chăn nuôi. Chúng tôi mong cân đối việc này”, ông Lương kiến nghị.
Cũng theo ông Lương, cuối năm sẽ không thiếu thịt trầm trọng, nguồn cung trong 2 tuần tới của các doanh nghiệp sẽ rất dồi dào.
Nói về việc này, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc cấp cao phụ trách khu vực miền Bắc của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, giá lợn C.P đang bán ra ở mức 84.000 đồng, thấp hơn 1.000 đồng/kg so với tuần trước.
"Chúng tôi luôn xác định đồng hành với người tiêu dùng để ổn định giá ở mức hợp lý nhất. Thực tế không ai muốn giá quá cao vì khi giá quá cao thịt lợn nhập giá rẻ sẽ tràn vào. Chưa kể, lợn sống nhập theo đường biên mậu từ các nước lận cận, mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, thậm chí các mầm bệnh nguy hiểm khác sẽ vô nguy hiểm", ông Tuấn nói.
Đồng thời, ông Tuấn cũng khuyến cáo người dân không nên nuôi quá to, nặng tới 1,3 – 1,5 tạ, nhất là trong giai đoạn này khi mà nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao.
Lãnh đạo Dabaco cũng lo ngại ảnh hưởng thị trường sau cơn sốt thịt lợn và mong có giá hợp lý "vì cao quá sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của chúng tôi sau này”.