DN không muốn nâng hàm lượng vàng XK
DN không muốn nâng hàm lượng vàng XK
Việc xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ cần được khuyến khích và tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa |
6 tháng đầu năm 2011 các DN kinh doanh vàng bạc đá quý trong cả nước đã xuất khẩu gần 1,24 tỷ đôla Mỹ cho nhóm các sản phẩm trang sức, mỹ nghệ bằng vàng, góp phần làm giảm tỷ lệ nhập siêu xuống dưới 18% và hiện chỉ còn 15,42%. Theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, với 400 tấn vàng đang có trong dân sẽ không thể dễ dàng đưa vào lưu thông nếu như người dân không thấy có lợi về giá khi bán ra trên thị trường.
Do đó, việc xuất khẩu vàng trang sức thời gian qua đã thu hút đáng kể nguồn vàng tích trữ trong dân chuyển thành tiền đồng đưa vào lưu thông. Trong đó số tiền được gửi vào tiết kiệm của ngân hàng đã góp phần làm tăng tính thanh khoản, giảm được tình trạng thiếu vốn của NHTM và hạ được lãi suất đầu vào khi nguồn cung tiền đựợc cải thiện.
“Điều này đã góp phần đáng kể giải phóng nguồn lực bằng vàng nằm chết trong dân cư và hạn chế tình trạng “vàng hóa” của nền kinh tế.
Động thái này còn đem lại một lượng ngoại tệ đáng kể cung ứng kịp thời cho các NHTM, cải thiện tình trạng thiếu hụt ngoại tệ rõ ràng, giảm bớt áp lực về tỷ giá ”, ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đánh giá và cho rằng, nếu “chiểu” theo Thông tư 184-2010/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, các sản phẩm trang sức mỹ nghệ khi xuất khẩu nếu muốn được hưởng thuế suất 0% thì phải đáp ứng yêu cầu là có hàm lượng vàng dưới 99%, có trọng lượng dưới 1 ounce (0,83 lượng) thì các DN kinh doanh vàng đã phải tăng chi phí gia công gấp hàng chục lần và có độ hao phí vàng rất lớn.
Do đó, việc xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ dưới mọi hàm lượng, cần được khuyến khích và tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam nói.
Về việc điều chỉnh thuế suất 10% đối với các sản phẩm đồ kim hoàn, đồ mỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng có khối lượng trên 1 ounce, có hàm lượng vàng trên 80%, ông Nguyễn Thành Long cho rằng, việc hạ tỷ lệ vàng xuống 80% để áp mức thuế suất 10% đối với vàng trang sức, mỹ nghệ là một ý định không hợp lý và tiếp tục gây khó khăn cho DN trong sản xuất xuất khẩu.
“Biện pháp này cũng không thể giảm được hiện tượng xuất khẩu trang sức mỹ nghệ chế tác đơn giản mà được coi là “biến tướng” hiện nay. Nếu áp dụng một chế tài đối với trang sức xuất khẩu bằng “hàm lượng vàng” thì các doanh nghiệp có thể sẽ phải “hạ tuổi vàng” để đáp ứng được đòi hỏi của cơ quan quản lý. Hệ quả là chi phí tiếp tục tăng cao, hao hụt trong sản xuất lớn và tốn kém hơn cho của cải xã hội. Trong trường hợp nếu chênh lệch giá xuất khẩu không đủ để trang trải chi phí, thì việc xuất khẩu qua đường chính ngạch sẽ không thực hiện được, và như vậy tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu lậu”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo ông Long, với lần điều chỉnh tỷ lệ vàng thứ 2 (dự kiến) này , nếu chênh lệch giá trong nước và giá quốc tế vẫn có lợi, thì DN sẽ sẵn sàng hạ tuổi vàng xuống dưới 80% theo quy định của cơ quan quản lý để có thể xuất khẩu.
Tại công văn kiến nghị gửi lên Bộ Tài chính ngày 26/7, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho rằng, chưa nên điều chỉnh hàm lượng vàng quy định tại Thông tư 184 mà nên lùi việc điều chỉnh này sau khi Nghị định Chính phủ về quản lý vàng được chính thức ban hành.
Hoài Thu