DN kêu khó, Hà Nội vẫn quyết duy trì đà tăng trưởng
Thảo luận tại hội trường tại phiên làm việc thứ hai HĐND TP Hà Nội, nhiều đại biểu tỏ ra quan ngại trước mục tiêu tăng trưởng 8 – 8,5% trong năm 2013 mà UBND đề ra. Nhiều ĐB đang hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp đã lên tiếng phản ánh về những khó khăn đang phải đối mặt, trong đó phần lớn đều có cùng nhận định trong năm 2013 tình hình sẽ càng tồi tệ hơn.
Bà Châu Thị Thu Nga, ĐB đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phản ánh tình trạng lãi suất mặc dù đã có chủ trương hạ, nhưng với nhiều khoản phí dịch vụ khác cộng lại, DN vẫn đang phải vay với mức lãi suất rất cao, có nơi vẫn ở mức trên 20% mỗi năm. Mặt khác DN cũng đang khó tiếp cận nguồn vốn, riêng vốn ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ 5% DN vay được. Điều này dẫn tới nhiều DN đã phải giải thể, ngừng sản xuất. Trước thực tế đó, bà Nga đề nghị đưa ra những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, giảm lãi suất vay để DN có khả năng duy trì sản xuất.
ĐB thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Ảnh LD |
“Chính phủ và NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng hạn mức với khối DN. Đặc biệt Ngân hàng cần có gói cho vay dành riêng cho từng lĩnh vực, tiếp tục hạ lãi suất vay trong thời gian tới” – bà Nga kiến nghị.
ĐB Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương Mại Hà Nội (Hapro) nhận định 2012 là năm sóng gió, DN phải vật lộn với muôn vàn khó khăn. “Chi phí quản lý tăng, sản phẩm không tiêu thụ được, nhiều nhà máy xí nghiệp phải thu hẹp sản xuất, vốn vay cao… Khó khăn này còn trầm trọng hơn trong năm 2013”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, khó khăn của DN còn do tình trạng hoang mang thái quá trong nhân dân. Việc thắt chặt chi tiêu công dẫn đến tâm lý không mạnh dạn, làm hàng tồn kho tăng lên, sản xuất thu hẹp, ngân hàng lo bảo toàn vốn… Chính xu thế này đã càng làm kinh tế khó khăn thêm nhiều lần. Khi chúng ta đang tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, thì việc điều chỉnh giá đất, giá nhà trong 2012 và 2013 làm cho hầu hết DN hoang mang. Ông Thắng đề nghị thành phố chưa điều chỉnh tăng giá đất, giá nhà trong hai năm 2012 – 2013.
Bà Phạm Thị Thanh Mai (Ban kinh tế ngân sách) nêu, trong các chỉ tiêu KTXH không đạt, có chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngay từ đầu năm giao chỉ tiêu, các quận huyện ngay từ đầu đã phản ánh nhiều vướng mắc. Trước thực tế này trong thời gian tới UBND cần làm rõ có hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình mà Chính phủ đề ra không, và nếu đạt thì được khoảng bao nhiêu phần trăm.
Một trong những lo ngại được nhiều đại biểu phản ánh là mục tiêu tăng trưởng 8 – 8,5% Hà Nội đề ra trong năm 2013. Theo ĐB Lê Văn Thành, năm 2012 mức tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 8,1%, trong khi năm 2013 sẽ còn nhiều khó khăn hơn, vậy việc đề ra mức tăng trưởng 8,5% phải chăng sẽ là quá cao.
ĐB Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, năm 2013 còn tiếp tục khó khăn, mức tăng trưởng đề ra nên ở mức 8% là phù hợp, nếu cao quá sẽ không thể hoàn thành. Ông Tuấn cũng đề nghị Hà Nội cần thực hiện thêm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Chẳng hạn trong lĩnh vực bất động sản, Chính phủ đã đồng ý với phương án chuyển sang mua các dự án phục vụ quỹ nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội. Hay phương án chia nhỏ căn hộ đảm bảo phân khúc hiện nay…
Giải đáp một số thắc mắc ĐB nêu, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2012 mức tăng trưởng của Hà Nội khoảng 8,1%, quý sau luôn tăng trưởng cao hơn quý trước. Theo đà tăng trưởng này, chỉ tiêu năm 2013 phải từ 8 – 8,5%. Mặt khác Hà Nội và TP HCM luôn đóng góp GDP rất lớn nên phải thực hiện theo Nghị quyết QH và Hà Nội đề ra.
“Khó khăn của DN chúng tôi xin tiếp thu, nhưng vẫn phải đề ra chỉ tiêu để phấn đấu, không thể thấp hơn năm trước được”, ông Sửu nói.
UBND thành phố Hà Nội cho rằng, chỉ tiêu đề ra năm 2013 sẽ phải hết sức quyết liệt để thực hiện. Đó là thách thức lớn của 2013, nhưng không phải vì khó khăn thách thức mà chúng ta không quyết tâm thực hiện.