DN gạo hủy thầu, không bán cho dự trữ Quốc gia: "Không hủy thầu thì phá sản"

Hàng loạt doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng hủy thầu. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, 35 làm trong ngành gạo lần đầu tiên họ làm như vậy vì nếu ký hợp đồng thì họ sẽ phá sản.

Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, đã có hàng loạt doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo nhưng đã hủy thầu với tổng số lượng hơn 160.000 tấn gạo. Chính vì thế, đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới chỉ ký được 7.700 tấn gạo dự trữ, đạt 4% so với mục tiêu 190.000 tấn gạo mà Thủ tướng giao.

Lý do vì sao các doanh nghiệp lại hành xử như vậy?

Trả lời phóng viên, bà Trần Thị Loan, Giám đốc Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh (Hà Nam) cho biết, có 2 nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể ký hợp đồng dù đã trúng thầu dự trữ gạo quốc gia. Đó là doanh nghiệp phụ thuộc việc nhập gạo từ thương lái nên khi thị trường bất thường họ không thể thu mua gạo được. 

“Thông thường chúng tôi đấu thầu xong mới bắt đầu thu mua gạo, nhưng giá gạo bỗng tăng đột biến 2.000 đồng/kg, nghĩa là 1.000 tấn gạo sẽ mất thêm 2 tỷ. Cụ thể, giá gạo tại kho của thương lái hiện tại là 10.000-10.200 đồng/kg, cộng với vận chuyển nữa, ra đến miền Bắc là trên 11.000 đồng/kg. Còn nếu bán cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước giá theo hợp đồng là 9.200 đồng/kg gạo, bao gồm cả thuế”, bà Loan cho hay.

Cũng theo bà Loan, ngoài giá gạo tăng, nhiều nơi tích trữ gạo, các yếu tố khác như tình hình dịch bệnh, cấm tụ tập đông người, trong khi đặc thù ngành gạo cần rất nhiều nhân công để bốc vác, đứng máy, kỹ thuật, thủ kho, đóng gói… khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và buộc phải đưa ra quyết định hủy thầu.

“Nếu bán với giá 11.500-11.700 đồng/kg thì chúng tôi mới làm được, còn với giá cũ thì chúng tôi phá sản luôn. Việc đơn phương hủy như thế, Nhà nước xử lý như thế nào chúng tôi cũng đành phải chấp nhận. Dịch bệnh là bất khả kháng, nên chúng tôi mong Nhà nước khoan hồng, xem lại để doanh nghiệp đỡ thiệt thòi. 35 làm trong ngành gạo và 27 năm làm việc với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, đây là lần đầu tiên trong đời chúng tôi mới phải hủy như thế này. Chúng tôi làm việc rất nghiêm túc nhưng giá tăng đột biến, cộng thêm dịch bệnh khiến doanh nghiệp không thể xử lý kịp. Nếu chúng tôi không hủy thầu thì doanh nghiệp sẽ chết, phá sản”, bà Loan giải thích. 

Tương tự, công ty TNHH Phát Tài cũng trúng thầu 17.940 tấn cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng không ký hợp đồng. Trong khi doanh nghiệp này cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Giải thích về việc này, ông Long, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát Tài cho biết việc đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo không liên quan đến việc doanh nghiệp hủy cung cấp gạo dự trữ quốc gia. 

“Doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo với các đối tác từ trước và gạo xuất khẩu là gạo thơm, gạo tám chứ không phải là loại gạo 504 mà Tổng cục thu mua, vì thế không phải vì xuất khẩu mà doanh nghiệp hủy thầu trong nước”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, lý do các doanh nghiệp trong nước đồng loạt từ chối hoặc không đến ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia vì giá gạo tăng đột biến, các doanh nghiệp không thu mua nổi, nếu ký hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng.

“So với lúc hủy thầu thì giá gạo hiện nay đã chênh hơn 1.000 đồng/kg. Với tình hình như thế chúng tôi giao không nổi, lỗ dữ lắm”, ông Long cho hay.

Ông Long cũng nói thêm, lúc trúng thầu 17.000 tấn, ông tính có thể mua kịp theo giá dự kiến trúng thầu vì thời gian còn dài nhưng dịch bệnh khiến giá gạo tăng vọt, mua không nổi.

Cuối cùng công ty đã phải họp bàn lại, chấp nhận mất 2% quỹ và đưa ra quyết định như vậy. 

“Bao nhiêu năm làm gạo, năm nào chúng tôi cũng cung cấp khoảng vài chục nghìn tấn gạo cho ngành dự trữ quốc gia nhưng năm nay phải hủy không ký hợp đồng thầu vì ảnh hưởng của dịch bệnh, thứ hai là giống lúa 504 trồng quá ít, khó mua, Campuchia lại đóng cửa sớm khiến gạo tăng giá. Trong khi đó, Tổng cục dự trữ Quốc gia chỉ mua gạo 504, chứ không mua gạo dài, gạo dẻo. Chính vì thế không chỉ chúng tôi mà hàng chục nhà thầu khác cũng phải bỏ”, ông Long nói.

Trước đó, theo phản ánh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vào 0 giờ ngày 11/4, dù là ngày nghỉ và doanh nghiệp cũng chưa nhận được công văn triển khai quyết định cho phép làm thủ tục thông quan xuất khẩu gạo trở lại, thế nhưng đến 3 giờ sáng ngày 12/3 thì Cổng tiếp nhận hồ sơ thông quan trực tuyến của Cục Hải quan đã thông báo hết hạn ngạch và ngưng tiếp nhận hồ sơ thông quan.

Tuy nhiên theo Tổng cục Hải quan, việc thực hiện xuất khẩu gạo được thực hiện theo quyết định 1106/QĐ-BTC ngày 10/4/2020 của Bộ Công thương. Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định việc mở tờ khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo vừa qua được thực hiện hoàn toàn tự động trên hệ thống điện tử, không có sự tác động của công chức Hải quan, không có dấu hiệu trục lợi ở đây.

Ngay sau khi DN XK gạo phản ảnh, TCHQ đã rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin và phát hiện nhiều doanh nghiệp (DN) bỏ thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia, bất ngờ mở được tờ khai xuất khẩu (XK) hàng chục nghìn tấn gạo.

 
Liên quan đến vấn đề này, ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành phản ánh nhiều bất thường trong khai báo hải quan đối với hạn ngạch 400.000 tấn gạo.
 
VFA phản ánh không nhận được thông báo chính thức nào từ phía Hải quan sẽ cho mở tờ khai lúc 0 giờ sáng 12/4. 

Cụ thể theo VFA, một số thương nhân đã gặp phải tình huống như: các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0h ngày 11/4 đã có sổ tờ khai và đã phân vào luồng đỏ, nhưng đến ngày 13/4, sau khi tải kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về thời điểm 10/4. VFA đã ghi nhận ít nhất 3 thương nhân như vậy và các thương nhân hiện vẫn chưa tìm được câu trả lời cho tình huống này.

Thậm chí, có cả trường hợp các tờ khai hải quan đã có sổ tự khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, đến thời điểm sáng 14/4 lại bị mạng hải quan xóa bỏ khi chưa đủ 15 ngày theo quy định.

Ngoài ra còn có tình trạng, trong số các thương nhân truyền được tờ khai rạng sáng 12/4, có không ít thương nhân chưa tập kết hàng ở cảng thời điểm đó hoặc tập kết chưa đủ mà chỉ truyền tờ khai để giữ chỗ.

Trong khi đó, có rất nhiều thương nhân đã tập kết hàng hóa sẵn sàng ở cảng chờ xếp tàu, đóng container, thậm chí có lô hàng đã đóng container trước ngày 24/3, tính đến nay đã hơn 20 ngày lưu container lưu bãi mà vẫn chưa truyền được tờ khai hải quan…

VFA cho biết, hàng hóa sẵn sàng với số lượng lớn tại bãi chờ xuất của các cảng đã khá lâu, mỗi ngày các thương nhân phải chịu nhiều chi phí như lưu bãi, lưu container, vận chuyển, lãi suất ngân hàng, bị phạt bồi thường hợp đồng, chi phí nhân công tại các cảng ngày càng đắt đỏ…

Do đó, nếu các lô hàng trên không được thông quan và XK, các thương nhân sẽ bị thiệt hại nặng nề lên đến hàng tỷ đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sự sống còn của các thương nhân.

Diệu Thùy

Quả ‘thần dược’ của Trung Quốc tràn sang chợ Việt, giá chỉ 30.000 đồng/kg

Được ví như vị thuốc “thần dược”, hồng táo Trung Quốc đang ồ ạt tràn sang chợ Việt và bán với giá rẻ chưa từng có, thấp nhất từ trước đến nay.

CAEXPO: Sữa yến mạch TH true OAT nhận giải sản phẩm mới được yêu thích nhất

Tại sự kiện xúc tiến thương mại thường niên lớn hàng đầu khu vực ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO) lần thứ 21, bộ sản phẩm Sữa yến mạch TH true OAT của Tập đoàn TH xuất sắc nhận giải "Sản phẩm được yêu thích nhất".

Vị trí trung tâm kết nối của Sun Urban City Phủ Lý, Hà Nam

Không chỉ tọa lạc tại khu vực phong thủy thịnh vượng bậc nhất, dự án Sun Urban City Phủ Lý còn đón đầu quy hoạch hạ tầng và tương lai phát triển của tỉnh Hà Nam.

Giá chung cư 'nhảy múa', chênh cả tỷ đồng sau 1 tháng rao bán

Trước nhu cầu cao, nguồn cung khan hiếm, môi giới liên tục báo giá chung cư tăng một cách chóng mặt. Một số "cò" bất động sản được cho là té nước theo mưa, hét giá căn hộ cao hơn từ 500 triệu đến cả tỷ đồng chỉ sau vài tuần rao bán.

Cô gái Cần Thơ thu bộn tiền nhờ nghề độc lạ

Nhờ tạo ra những con vật, đồ vật siêu đáng yêu bằng len, cô gái ở Cần Thơ thu bộn tiền và tạo ra công ăn việc làm cho nhiều sinh viên.

Thị trường phía Tây đón nguồn cung căn hộ cao cấp mới

Quy hoạch hạ tầng tiện ích hiện hữu, sản phẩm độc đáo cùng chủ đầu tư uy tín là loạt lý do các dự án chung cư mới phía tây Hà Nội đều “đắt hàng”. Kịch bản này được dự báo tiếp tục xảy ra với những tòa căn hộ cuối cùng trong đại đô thị phía tây.

6 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi mạo danh nhân viên ngân hàng

Một trong những dấu hiệu đáng lưu tâm nhất là khi khách hàng gọi lại số điện thoại nghi ngờ lừa đảo thì không có tín hiệu hoặc rất lâu mới có tín hiệu nhưng không có người bắt máy.

Sun Urban City - giải cơn khát đô thị cao cấp cho khu vực gần phía nam Hà Nội

Với quy hoạch hiện đại, hạ tầng đồng bộ và hệ thống tiện ích đẳng cấp, dự án Đô thị Thời đại - Sun Urban City hứa hẹn là không gian sống văn minh, lý tưởng của người Hà Nam cũng như cư dân mới ở miền Bắc.

Sự vươn mình của Đông Nam Á và dấu ấn ngân hàng Việt

Trong Top 200 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune có 34 ngân hàng, riêng Việt Nam đóng góp 12 đại diện.

Từ đống vỏ sầu riêng vứt bỏ biến thành than sinh học, giấm gỗ bán giá cao

Trung Quốc đau đầu vì vỏ sầu riêng phát thải lượng CO2 khổng lồ, còn ở nước ta cả triệu tấn cũng bị vứt bỏ. Số vỏ 'trái cây tỷ đô' này đem làm than sinh học giúp giảm phát thải, đồng thời cho ra loại giấm gỗ bán với giá cao.