Điều tra các tài khoản liên quan đến Việt Nam tại HSBC Thụy Sĩ
Chiều 11.2, trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Ngọc cho biết đã yêu cầu HSBC Việt Nam báo cáo vụ việc liên quan đến HSBC Chi nhánh Thụy Sĩ để xác minh các tài khoản liên quan đến Việt Nam. Đây là vụ việc liên quan đến uy tín của Việt Nam nên cơ quan điều tra (CQĐT) sẽ vào cuộc làm rõ.
Xác minh tính hợp pháp của tài khoản
Như đã nêu, hôm 8.2, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố thông tin gây sốc toàn cầu, cho thấy NH cá nhân cao cấp HSBC Chi nhánh Thụy Sĩ bị cáo buộc giúp nhiều người mở tài khoản để rửa tiền, đóng vai trò tích cực giúp người giàu lách luật, trốn thuế và che giấu một lượng lớn tiền bạc.
Theo đó, có tổng cộng 106.000 tài khoản khách hàng tại 203 quốc gia từ năm 2005-2007 bị rò rỉ với tổng giá trị tài sản hơn 100 tỉ USD. Có 26 khách hàng liên quan đến Việt Nam với tổng tài sản 37,5 triệu USD được đề cập trong danh sách này. Trong đó, 12% tài khoản có hộ chiếu (hoặc quốc tịch) là Việt Nam và người có tài sản lớn nhất hơn 12 triệu USD (tương đương 252 tỉ đồng).
Cục trưởng Nguyễn Văn Ngọc cho biết dù thông tin này mới xuất hiện trên báo chí nhưng NH Nhà nước đã yêu cầu HSBC Việt Nam báo cáo chi tiết vụ việc. “Có 26 khách hàng cá nhân liên quan đến Việt Nam với số tiền hơn 37 triệu USD” được xem là vụ việc nghiêm trọng. Đây được xem là một loại thông tin tố cáo, tố giác tội phạm nên phải làm rõ mức độ sai phạm.
“Dù vậy, CQĐT sẽ kiểm chứng xem các tài khoản khách hàng cá nhân liên quan đến Việt Nam của HSBC có bất hợp pháp hay không rồi mới tính đến các bước tiếp theo. Thông thường, với những vụ việc liên quan đến rửa tiền ở Việt Nam, Cục Phòng chống rửa tiền sẽ cân nhắc chuyển giao CQĐT nhưng vụ này được đánh giá là nghiêm trọng nên hiển nhiên, CQĐT phải vào cuộc” - ông Ngọc khẳng định.
Cùng ngày, HSBC Việt Nam đã phát thông tin chính thức về vụ việc nêu trên. Theo đó, HSBC Việt Nam khẳng định vụ việc liên quan đến chuyện đánh cắp dữ liệu xảy ra tại NH cá nhân cao cấp của HSBC ở Thụy Sĩ vài năm trước đây, không ảnh hưởng tới những người không phải là khách hàng của NH.
“Tuy nhiên, khách hàng của HSBC có thể yên tâm rằng chúng tôi đã và đang thực hiện những biện pháp cần thiết để những tình huống tương tự không diễn ra” - HSBC Việt Nam khẳng định.
HSBC sẽ hợp tác điều tra
Trong thông tin gửi báo chí chiều 11.2, HSBC Việt Nam đưa ra báo cáo của HSBC toàn cầu, cho biết NH cá nhân cao cấp của HSBC tại Thụy Sĩ đang thay đổi triệt để trong những năm gần đây, bao gồm việc áp dụng hàng loạt chương trình nhằm ngăn chặn, không để các dịch vụ NH của HSBC bị lợi dụng cho việc trốn thuế hoặc rửa tiền. HSBC cho biết sẽ phối hợp với những cơ quan liên quan trong hoạt động điều tra các vụ việc này, đồng thời thừa nhận có trách nhiệm đối với việc thiếu kiểm soát trong quá khứ.
Từ năm 2012, HSBC đã triển khai giải pháp mỗi tài khoản tại NH này được kiểm tra theo một danh sách chặt chẽ để có thể phát hiện những chỉ báo về việc không tuân thủ nghĩa vụ thuế. Từ đó, bất cứ nghi ngờ nào cũng được điều tra… Đồng thời, các điều khoản và điều kiện sửa đổi cho phép HSBC được quyền từ chối giao dịch rút tiền mặt và kiểm soát chặt chẽ đối với giao dịch rút tiền nhiều hơn 10.000 USD.
HSBC cũng tiết lộ đã giảm mạnh số tài khoản tại Thụy Sĩ từ hơn 30.400 năm 2007 xuống còn hơn 10.300 vào cuối năm 2014. Tổng tài sản của NH cá nhân cao cấp HSBC tại Thụy Sĩ cũng giảm từ 118 tỉ USD xuống còn dưới 68 tỉ USD.
Dù vậy, đây không phải lần đầu tiên HSBC bị cáo buộc liên quan đến sai phạm. Năm 2012, HSBC từng phải nộp phạt 1,9 tỉ USD cho giới chức Mỹ để giải quyết những cáo buộc liên quan đến vấn đề rửa tiền của các trùm ma túy Mexico và khủng bố tài chính ở Trung Đông.
Cảnh giác với nạn rửa tiền
Qua vụ liên quan đến HSBC, một chuyên gia tài chính NH đã cảnh báo các NH thương mại Việt Nam về công tác phòng chống rửa tiền. Theo chuyên gia này, ở Mỹ, rửa tiền trở thành vấn nạn khi các tay tài phiệt tìm mọi cách để chuyển tiền, rửa tiền bẩn thành tiền sạch nhằm trốn thuế. Chính phủ Mỹ rất quan tâm và áp dụng nhiều giải pháp hạn chế nạn rửa tiền.
Trong khi đó, ở Việt Nam, thói quen dùng tiền mặt là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm rửa tiền khó bị phát hiện. Đến nay, một số NH thương mại đã xây dựng phương án phòng chống, ngăn tiền bẩn vào Việt Nam, chủ yếu thông qua việc phát hiện các danh sách đen giao dịch đáng ngờ.
Theo NLĐS/VNN