Điều kiện gia nhập IPU của nghị viện quốc gia?
Trong bài viết trước, Infonet đã trình bày sự hình thành của IPU, dưới đây Infonet đăng tải những lý giải của ông Phạm Quốc Bảo, chuyên gia Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền Đại hội đồng IPU-132, nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Bulgaria, kiêm nhiệm Cộng hòa Macedonia. Người đã tháp tùng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên tham gia Hội nghị mùa Xuân của Liên minh Nghị viện Thế giới tại Praha, Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc sau này) tháng 4 năm 1979.
Theo quy định của Liên minh Nghị viện Thế giới - IPU, để có thể trở thành thành viên Liên minh, Nghị viện quốc gia có nguyện vọng gia nhập IPU phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Thứ nhất là phải tán thành tôn chỉ, mục đích và tuân thủ các nguyên tắc quy định trong Quy chế của Liên minh. Theo đó, Điều 1 quy định: Liên minh Nghị viện Thế giới là tổ chức quốc tế của các Nghị viện Quốc gia có chủ quyền. Là trung tâm đối thoại nghị viện toàn cầu, từ năm 1889, Liên minh Nghị viện Thế giới hoạt động vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc và thiết lập các thể chế dân chủ đại diện bền vững. Mục đích cuối cùng của Liên minh Nghị viện thế giới là: (a) Đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc, phối hợp và trao đổi kinh nghiệm giữa các nghị viện và giữa các nghị sĩ của tất cả các nước; (b) Xem xét các vấn đề quốc tế cần quan tâm và bày tỏ quan điểm của IPU về các vấn đề liên quan đó nhằm hỗ trợ hành động của các Nghị viện và các nghị sĩ; (c) Góp phần bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền toàn cầu, trên cơ sở tôn trọng và coi quyền con người là nhân tố cơ bản của nền dân chủ nghị viện và phát triển; (d) Góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại diện.
Cùng chung mục tiêu với Liên Hợp Quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới hỗ trợ các nỗ lực và phối hợp chặt chẽ với tổ chức này. Liên minh cũng hợp tác với các tổ chức liên Nghị viện khu vực, các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ vì lý tưởng chung.
- Thứ hai là Nghị viện quốc gia phải là cơ quan lập pháp hợp hiến và đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3: Mỗi Nghị viện được thành lập phù hợp với luật pháp của quốc gia có chủ quyền, đại diện cho nhân dân và hoạt động trên lãnh thổ quốc gia đó đều có thể gia nhập Liên minh. Mỗi thành viên Liên minh phải tuân thủ những nguyên tắc và Quy chế của Liên minh. Bất kỳ Nghị viện nào được thành lập phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật về toàn vẹn lãnh thổ và có nguyện vọng cũng như quyền thành lập quốc gia được Liên Hợp Quốc công nhận và có tư cách Quan sát viên thường trực ở Liên Hợp Quốc với những quyền cơ bản và đặc quyền cũng có thể trở thành thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới.
Thứ ba là, để đảm bảo việc tham gia các hoạt động của Liên minh một cách có hiệu quả, Điều 6 quy định: Tất cả các Nghị viện thành viên hoặc thành viên liên kết của Liên minh có Điều lệ riêng quy định việc tham gia Liên minh của Nghị viện mình. Các Nghị viện thành viên cần có các quy định về cơ cấu tổ chức, thủ tục và điều kiện tài chính cần thiết để đảm bảo việc tham gia các hoạt động của Liên minh một cách có hiệu quả; thực hiện các quyết định và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban thư ký Liên minh. Trước cuối tháng Một hàng năm, Nghị viện thành viên phải gửi Ban thư ký báo cáo về tình hình hoạt động của Nghị viện mình, trong đó bao gồm họ tên các quan chức và danh sách hoặc tổng số các nghị sĩ.
Nghị viện thành viên có quyền quyết định cách thức tham gia Liên minh Nghị viện Thế giới của Nghị viện mình.
Như vậy, về thủ tục, các nghị viện quốc gia muốn trở thành thành viên Liên minh phải tán thành tôn chỉ mục đích và cam kết tuân thủ các nguyên tắc quy định trong Quy chế và Điều lệ của Liên minh.