"Điện Biên cần tập trung phát triển NLN theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung"
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên Lần thứ XIII đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã có bài phát biểu quan trọng biểu dương và chúc mừng những thành tựu quan trọng Đảng bộ tỉnh Điện Biên đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và gợi ý một số vấn đề giải pháp trong nhiệm kỳ tới. Báo điện tử Infonet.vn xin trân trọng trích bài phát biểu của đồng chí về gơi ý các giải pháp cho Điện Biên nhiệm kỳ tới.
Trong những năm tới, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường; đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới, có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức gay gắt. Việc xác định đúng hướng đi, lộ trình để Điện Biên tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng. Báo cáo chính trị trình Đại hội đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc phấn đấu xây dựng Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và Miền núi phía Bắc. Đây là mục tiêu cao, đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên. Tôi xin gợi ý, nhấn mạnh một số vấn đề để các đồng chí thảo luận như sau:
(1)- Đảng bộ tỉnh Điện Biên cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ việc xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo phát huy tiềm năng, thế mạnh, truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương trong cả nước để tạo bứt phá, phát triển nhanh hơn. Tôi đề nghị các đồng chí thảo luận, phân tích rõ thời cơ, thách thức trong bối cảnh chung của đất nước và điều kiện thực tế của tỉnh; xác định nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn thứ tự ưu tiên và làm rõ khâu đột phá trong phát triển kinh tế. Điện Biên cần tập trung phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, coi trọng giữ rừng, trồng rừng, trồng cây cao su, cà phê, chè, chăn nuôi gia súc; Khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng... Phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử và kinh tế cửa khẩu.
Tăng cường tìm kiếm và khai thác các nguồn lực, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tỉnh cần bám sát quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt và trên cơ sở các nguồn lực, kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần chỉ đạo rà soát quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các vùng, điểm kinh tế, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kỉnh tế- xã hội của tỉnh để ưu tiên thứ tự đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là về giao thông, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... Phấn đấu xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II, theo hướng đô thị thân thiện với môi trường; có lộ trình, bước đi, cách làm phù hợp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và triển khai xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh theo quy hoạch.
(2)- Đảng bộ lãnh đạo phát triển toàn diện các mặt văn hóa- xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng giáo dục và đào tạo. Cần có giải pháp mạnh phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với phát triển kinh tế- xã hội, trọng tâm là đào tạo nghề, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc ít người, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ công chức cấp xã. Có chủ trương và khuyến khích mạnh việc ứng dụng khoa học vào sản xuất, đời sống; xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm phát triển nhanh trình độ khoa học của tỉnh, coi đây là những khâu đột phá. Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực.
Tập trung thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh sau bố trí, sắp sếp dân tái định cư Thủy điện Sơn La, nhất là về điều kiện sản xuất để đảm bảo ổn định đời sống của các hộ dân. Tiếp tục chỉ đạo triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo. Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và Đề án 29 xã biên giới theo Kết luận số 85-KL/TW, ngày 24-01-2014 của Bộ Chính trị. Thực hiện tốt bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chú trọng củng cố, xây dựng hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
(3)- Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, thật sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân.Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, công vụ, và hiện đại hóa hành chính; nâng cao năng lực quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Tăng cường quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan tham mưu, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung thực hiện quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế, tạo chuyển biến thực chất.
Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Hoàn thiện cơ chế để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Quan tâm phát động, tổ chức các phong trào thi đua rộng khắp, sôi nổi, có chiều sâu; cổ vũ, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
(4)- Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế; xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện. Triển khai sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tích cực đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tăng cường lãnh đạo chỉ đạo công tác phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội; các hoạt động tuyên truyền lập "Vương quốc Mông”, tuyên truyền đạo trái pháp luât, di cư tự do. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tố tụng. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Duy trì quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào, mở rộng quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế theo đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng; chú trọng mở rộng ngoại giao nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân giữ gìn, bảo vệ đường biên, mốc giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, từng bước xây dựng các xã biên giới phát triển toàn diện.
- Tập trung xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Triển khai kiên trì, quyết liệt hơn Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tăng cường giáo dục chính trị, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở; giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, làm hạt nhân đoàn kết trong hệ thống chính trị. Chăm lo xây dựng đội ngũ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ dân tộc ít người, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ cấp xã. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phương pháp công tác của các cấp ủy; thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, kỷ cương, gần dân, vì dân và lắng nghe nhân dân, bám sát thực tiễn cơ sở, nói đi đôi với làm. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Cuối cùng, tôi mong muốn rằng, dù xuất phát điểm kinh tế thấp, thuộc nhóm nghèo nhất nước, lại xa trung tâm, địa bàn khó khăn hiểm trở, nguồn lực đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ giữ vững và phát huy truyền thống hào hùng vượt lên trong gian khó với ý chí anh dũng quật cường đã hun đúc nên con người Điện Biên trong quá khứ và hiện tại, phát huy nội lực, phấn đấu xây dựng Điện Biên phát triển hơn, giàu đẹp hơn, tươi đẹp hơn. Cũng rất mong các ban, bộ, ngành trung ương, cùng các địa phương trên cả nước hãy chung tay góp sức giúp Điện Biên, cùng với Điện Biên phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch đại hội XIII đề ra, xứng đáng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng.