“Điểm huyệt” nguyên nhân khiến kinh tế tư nhân chưa phát huy hết tiềm năng
Tại Diễn đàn, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho rằng trong giai đoạn 2011 – 2020, khu vực kinh tế tư nhân có tốc độ phát triển nhanh hơn các thành phần kinh tế khác, chiếm tỷ trọng cao trong GDP cả nước. Cụ thể, năm 2002 kinh tế tư nhân chiếm 27%, đến năm 2010 đã nâng lên con số 42,96%, năm 2015 chiếm 43,22%.
Kinh tế tư nhân cũng chiếm 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển.
Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng gần 85% lực lượng lao động cả nước, hàng năm tạo ra khoảng trên 1 triệu việc làm cho người lao động.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam. |
Ông Tô Hoài Nam cũng thẳng thắn chỉ ra 15 điểm tồn tại hạn chế tác động không tốt đến phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, đầu tiên phải kể đến việc chưa tạo được thể chế thu hút nguồn vốn tư nhân theo hình thức đối tác công tư (PPP). Do thiếu một đạo Luật về PPP để tạo nên một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, nhất quán cho các hoạt động này, nên không tạo được bước đột phá đúng với tiềm năng.
Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ DNNVV đã có hiệu lực từ 01/01/2018 nhưng chậm đi vào thực chất. Sau hơn một năm thực thi, chúng ta chủ yếu vẫn mới thực hiện được phần thể chế Luật bằng các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư, Quyết định và tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các đề án triển khai chương trình hỗ trợ.
“Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp thì quá hiếm hoi, quy mô nhỏ, tản mát nên tác động đến DNNVV và kinh tế tư nhân không đáng kể. DNNVV và kinh tế tư nhân vẫn yếu thế trong cạnh tranh, trong tiếp cận nguồn lực vật chất so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI” – ông Tô Hoài Nam nói.
Mặc dù Luật cần có độ trễ, nhưng có một thực tế là sự chậm trễ này vẫn đang là trở ngại lớn đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Hội nghị thu hút hơn 400 đại biểu từ Trung ương và các địa phương tham dự. |
TS. Tô Hoài Nam đặc biệt nhấn mạnh cần tập trung, ưu tiên tháo gỡ giải quyết dứt điểm 15 tồn tại, hạn chế tác động không tốt đến phát triển kinh tế tư nhân. Việc tháo gỡ cần theo hướng định lượng những mục tiêu, tiêu chí cụ thể phải đạt được cho từng lĩnh vực tiến trình cho giai đoạn mỗi giai đoạn là 2 năm, năm giai đoạn trong vòng 10 năm. Phân quyền, giao quyền quyết và tăng cường tránh nhiệm cho người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực đó.
"Nhà nước cần tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng về thực chất không phân biệt loại hình sở hữu và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường và rút khỏi thị trường phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Đồng thời, gắn với tiến trình đổi mới thể chế để giải quyết bốn vấn đề chính yếu về thể chế kinh tế cho kinh tế tư nhân là: Sự thiếu đảm bảo các quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp. Tồn tại nhiều rào cản gia nhập thị trường. Trật tự và kỷ luật thị trường phải được đảm bảo và chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân phải căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp tư nhân là chính", TS. Tô Hoài Nam nói.
Bên cạnh đó, cần xác định phát triển kinh tế tư nhân chính là phát triển công cụ cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường;
Khuyến khích để tăng quy mô của doanh nghiệp tư nhân theo hướng chú trọng về chất lượng và thích ứng với mô hình tăng trưởng mới của nền kinh tế, dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, lợi thế so sánh, cạnh tranh hiệu quả, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
Xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài, nhất quán và xuyên suốt trong mọi hành động của Chính phủ, luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế của quốc gia.