Điểm chung đáng buồn của nhiều “siêu dự án” tại TP.HCM
Trong 20 năm qua TP.HCM đã thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng. |
Nhiều dự án lớn nào cũng sai phạm
Không thể phủ nhận những dự án này đã thay đổi bộ mặt thành phố, biến nhiều khu vực hoang hóa, ô nhiễm trở thành nơi sầm uất. Tuy nhiên trong quá trình này, thành phố cũng gặp phải nhiều sai sót dẫn đến sự phản ứng quyết liệt của người dân, trong đó có những vụ việc kéo dài hơn 20 năm vẫn chưa được giải quyết triệt để, các đơn thư khiếu kiện, kiếu nại ngày một dày thêm.
Dự án có quy mô lớn nhất, được dư luận đặc biệt quan tâm gần đây là khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Được manh nha từ cuối những năm 90, đến nay khu đô thị đã dần hình thành. Dù vậy dự án vẫn chưa trọn vẹn vì hơn 100 hộ dân vẫn tiếp tục khiếu kiện khi cho rằng đất đai của họ bị thu hồi trái pháp luật.
Sau nhiều lần làm việc, đầu tháng 9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận trong đó chỉ ra nhiều sai sót của UBND TP.HCM và một số cá nhân qua các thời kỳ. Dù vậy bản kết luận này chưa giải tỏa hết khúc mắc của người dân và việc khiếu nại dự kiến sẽ còn tiếp diễn.
Một dự án khác có quy mô lên tới 500ha và vốn đầu tư 500 triệu USD cũng đang dang dở vì câu chuyện đất đai. Đó là dự án Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi. Đây được kỳ vọng sẽ là một công viên bán hoang dã lớn nhất Việt Nam và đạt tầm cỡ khu vực. Nhưng đến nay các bước thực hiện đang rất chậm chạp vì những khiếu kiện của người dân về đất đai.
Ngoài ra còn có hàng chục vụ việc nổi cộm khác như Khu đô thị Việt – Sing (huyện Bình Chánh), Khu công nghệ cao (quận 9). Gần đây nhất, kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những sai sót của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn trong sử dụng 1.900ha đất được giao. Khu đô thị Thanh Đa qua 26 năm vẫn là quy hoạch treo. Đây đều là những vụ việc lớn, đa phần liên quan đến đất đai.
Xâu chuỗi lại những vấn đề này, nhiều người dân thành phố đang có chung câu hỏi: “Tại sao thành phố liên tục để xảy ra sai phạm tại các dự án lớn?”.
Khu đô thị Thanh Đa đã "treo" 26 năm qua. |
Mong người dân chia sẻ cùng thành phố
Trước câu hỏi này, trong cuộc họp báo chiều 1/10, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã có những “chia sẻ” với báo chí.
Theo ông, những dự án lớn của thành phố trước hết đều xuất phát từ quan điểm phát triển để người dân có điều kiện sống thuận lợi hơn, tốt hơn.
“Chúng ta nạo vét kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Hàng Bàng, Lò Gốm, sắp tới là Kênh Đôi, Kênh Tẻ, rạch Xuyên Tâm. Chúng ta xây dựng Thủ Thiêm từ vùng đầm lầy thành khu đô thị hiện đại cũng vì mục tiêu phát triển. Công viên safari cũng là để người dân thành phố có khu vui chơi hiện đại” – ông Hoan cho hay.
“Những công trình đó đều xuất phát từ những người lãnh đạo. Nếu không có những người luôn đổi mới, năng động, chấp nhận khó khăn để có những suy nghĩ táo bạo, quyết tâm chính trị lớn lao như thế thì thành phố rất khó khắc phục những tồn tại” – ông nhấn mạnh - đồng thời cho rằng “lãnh đạo các thời kỳ luôn ao ước thành phố phát triển”.
Dù vậy ông Hoan thừa nhận, trong quá trình thực hiện luôn ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là những người trong vùng bị quy hoạch.
“Đại bộ phận người dân ủng hộ, nhưng còn một ít có khiếu nại. Lỗi của thành phố là chậm giải quyết cho bà con nên càng lúc càng tăng cường độ và tính chất. Nếu giải quyết sớm chắc cũng không như bây giờ” – ông Hoan nhìn nhận.
Một nguyên nhân khác được Chánh văn phòng UBND TP đề cập là sự thay đổi của luật pháp trong những năm qua. Lấy ví dụ Khu đô thị Thủ Thiêm, ông cho biết, dự án này trải qua 4 nhiệm kỳ lãnh đạo nhưng có tới 3 lần thay đổi Luật Đất đai vào các năm 1993, 2003 và 2013. Cùng đó các luật Đầu tư công, Kinh doanh bất động sản cũng thay đổi.
Ông Hoan cho rằng, những tồn tại đó dẫn đến tình trạng quản lý lỏng lẻo, sai phạm, khiến dự án méo mó, không “giữ được cái khung ban đầu”. “Phần này có trách nhiệm của thành phố, thành phố đã nhận rồi” – ông nói.
“Quan điểm của lãnh đạo thành phố trong năm nay là cố gắng giải quyết thật tốt những vấn đề lớn, đặc biệt là 12 vụ khiếu nại kéo dài, có tính chất phức tạp, để năm tới chúng ta bước lên và bước đi vững chắc trong quá trình phát triển” – ông Võ Văn Hoan chia sẻ.