Dịch Covid-19: Thay vì kêu than, nhiều khách sạn chủ động biến "nguy" thành "cơ"
Biến khó khăn thành cơ hội
Là một khu nghỉ dưỡng cao cấp nổi tiếng tại miền Trung, Furama Resort được khách du lịch quốc tế đánh giá cao thông qua ứng dụng tripadvisor. Thế nhưng, 196 phòng hạng sang cùng với 70 căn biệt thự thuộc khu nghỉ dưỡng này hiện đang trong tình trạng ế ẩm bởi dịch Covid-19.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Tấn Vinh, Giám đốc Furama Resort, cho hay, thời điểm hiện tại công suất phòng của Furama Resort bị sụt giảm khoảng 30%.
“Tùy theo mùa và thời điểm trong năm, thời điểm này của những năm trước chúng tôi thường đón các đoàn khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng hiện tại khách Hàn Quốc và Trung Quốc đã không còn vì hàng không tạm dừng đường bay, khách châu Âu thì hạn chế, khách Nhật Bản thì cũng còn nhưng không nhiều.” – ông Vinh cho hay.
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng chung đối với ngành du lịch không chỉ tại Đà Nẵng mà còn nhiều tỉnh thành khác. Trong đó, các khách sạn vốn phụ thuộc vào nguồn khách từ thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng trầm trọng, doanh thu sụt giảm rất lớn.
Tuy nhiên, vị CEO của Furama Resort cho biết, doanh nghiệp này chấp nhận và xem đây là “thời cơ vàng” để thực hiện các các hoạt động nhằm chuẩn bị cho kế hoạch trung và dài hạn.
“Thời gian này chúng tôi tập trung vào các chương trình huấn luyện nhân sự, cũng như tranh thủ thời gian để nâng cấp, sửa sang khách sạn; cắt giảm tối đa những chi phí cố định như điện, nước, thực phẩm,… càng nhiều càng tốt” – ông Huỳnh Tấn Vinh nêu giải pháp chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm dịch bệnh được dập tắt hoàn toàn.
Các cơ sở lưu trú xem đây là thời điểm để tái đầu tư cho con người và cơ sở vật chất. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Hà – Giám đốc Khách sạn Thắng Lợi (Tây Hồ, Hà Nội) – cũng than thở về lượng khách hủy phòng ngày một lớn dẫn đến lượng khách sụt giảm khoảng 60-70% so với thời điểm dịch chưa bùng phát. Hiện tại chỉ còn khách cố định với công suất phòng khoảng trên 20%.
Để ứng phó với khó khăn trước mắt, khách sạn Thắng Lợi không cắt giảm nhân sự nhưng khuyến khích nhân viên nghỉ nốt những ngày phép còn lại. Bên cạnh đó, trong suốt cả một tháng nay khách sạn này tập trung đào tạo lại cho đội ngũ nhân viên ở tất cả các bộ phận, làm tổng vệ sinh khách sạn,…
“Đây là thời điểm thích hợp để làm những việc này bởi chúng tôi đã từng trải qua dịch SARS năm 2003 nên đã có kinh nghiệm. Việc này đã được chúng tôi triển khai cả tháng nay” – ông Hà cho hay.
So với hai khách sạn lớn kể trên, các khách sạn tư nhân, đặc biệt là khách sạn ở khu vực phố cổ Hà Nội đã gần như tê liệt mọi hoạt động. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Khách sạn La Suite, một khách sạn tư nhân nằm trên phố Mã Mây (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – cho biết, khách đặt phòng từ trước khi xảy ra dịch đều đã hủy và hiện gần như không có khách mới, với lượng khách giảm khoảng 80-90%.
Cũng theo ông Hùng, có khoảng 40 khách sạn tư nhân khu vực phố cổ Hà Nội đã phải đóng cửa, con số này chắc chắn sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới nếu dịch bệnh vẫn chưa hết.
“Khách sạn La Suite hiện vẫn hoạt động một cách cầm chừng và có thể hết tháng này chúng tôi cũng phải đóng cửa” – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay. “Hiện tại chúng tôi đã cho nhân viên giảm giờ làm, giảm lương. Ở các khách sạn khác, có nhiều khách sạn dù đang hoạt động nhưng cũng đã phải cắt giảm nhân sự”, ông Hùng nói thêm.
Nhiều khách sạn tư nhân ở phố cổ Hà Nội đã phải đóng cửa. |
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và dịch vụ ăn uống giảm mạnh. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có giải pháp trong chính sách tài khóa như giảm, hoãn một số khoản thuế, lệ phí để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
“Chúng ta thấy có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người”, Thủ tướng nói nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, không thể vì doanh thu mà mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Cho nên, ngay từ đầu, bên cạnh việc tham khảo, tham vấn các đánh giá từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác nhau, chúng ta tham khảo chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, “Việt Nam đã bình tĩnh, có thể rất tỉnh táo trong nhìn nhận vấn đề theo nhãn quan của mình và chuẩn bị sẵn sàng mọi khả năng từ rất sớm”.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý về chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19.
“Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng nói.
Nếu dịch bệnh ở các nước còn kéo dài sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho du lịch, dịch vụ và công nghiệp cũng như thương mại và đầu tư, nhất là làm gián đoạn các giá trị sản xuất do đứt gẫy nguồn cung. Chính phủ sẽ sớm có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu kép Việt Nam vừa là một đất nước an toàn, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.