Đề xuất quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới
Sáng ngày 21/9/2018, tại Thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Phát thanh, Truyền hình.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Thanh Lâm cho rằng sau 2 năm thực hiện, các qui định tại Nghị định 06 đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ, thúc đẩy thị trường dịch vụ Phát thanh, Truyền hình trả tiền tại Việt Nam phát triển.
Đến nay, đã có 34 doanh nghiệp Truyền hình trả tiền trong đó có 16/34 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ Phát thanh, Truyền hình trả tiền trên mạng Internet (OTT), chiếm tỷ lệ 47% . Về số lượng thuê bao đã có 14,3 triệu thuê bao, chiếm tỷ lệ 62% số thuê bao/hộ gia đình tiệm cận với chỉ tiêu về số hộ gia đình sử dụng dịch vụ Truyền hình trả tiền tại Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh truyền hình đến năm 2020.
Số lượng kênh chương trình truyền hình trong nước là 194 kênh tăng 9%; Số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập để cung cấp trên dịch vụ phát thanh truyền hình là 69 kênh tăng 72%. Số lượng đại lý kênh truyền hình nước ngoài là 11 đơn vị, tăng 83% so với trước khi có Nghị định 06. Doanh thu thị trường truyền hình trả tiền năm 2016 là 7.500 tỷ, năm 2017 là 7.800 tỷ và đến quý 2/2018 khoảng 3.900 tỷ đồng.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu kết luận tại Hội thảo |
Bên cạnh các kết quả đạt được, thị trường truyền hình trả tiền trong nước còn có những vấn đề bất cập. Có 78 mạng xã hội đang cung cấp các chương trình truyền hình dạng thức đăng ký thuê bao có thu phí người sử dụng. Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xem phim, các trò chơi truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet xuyên biên giới đang mở rộng thị trường, hướng tới các đối tượng tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp đối với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết để cải cách thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm thủ tục, tăng cường các thủ tục trực tuyến.
Từ các vấn đề nêu trên, Bộ TT&TT đã đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 06, theo đó tập trung giải quyết 2 vấn đề chính, đó là: Cải cách thủ tục hành chính, trực tuyến hóa cho doanh nghiệp đồng thời điều chỉnh các hoạt động cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet để thị trường truyền hình trong nước phát triển lành mạnh và tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến về phân loại dịch vụ phát thanh, truyền hình; Chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình; Cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; Qui định cấp giấy phép cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet; Nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá; Nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; Kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; Công tác biên tập, biên dịch kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; Bản quyền nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu trên tinh thần “nói thẳng, nói thật”. Các ý kiến góp ý đi thẳng vào các vấn đề Bộ đang muốn lấy ý kiến của doanh nghiệp, vì vậy Bộ TT&TT sẽ tổng hợp và rà soát lại các ý kiến hướng tới đảm bảo mục tiêu cải cách hành chính đồng thời tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Các ý kiến góp ý phải đảm bảo phù hợp với qui định pháp luật hiện hành, nếu nhận thấy vấn đề gì mà các văn bản Luât đã lỗi thời, không phù hợp với thực tiến phải kiến nghị sửa đổi Luật để tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, đồng thời đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.