Đề xuất lập Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Sáng ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Trong đó có đề xuất việc đổi tên Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản thành Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản để mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ vì tái tạo chỉ là một hình thức để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thực tế hoạt động bảo vệ, tái tạo, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đều gắn liền với địa phương và các cộng đồng dân cư nên rất cần các nguồn tài chính từ xã hội hóa phục vụ thiết thực cho địa phương, cho cộng đồng để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ban soạn thảo cho rằng nếu chỉ có Quỹ ở Trung ương thì rất khó khăn khi triển khai các hoạt động, nhiệm vụ của Quỹ tại các tỉnh, huyện, xã/phường, thôn/bản trong cả nước. Các tổ chức Quỹ này không là các đơn vị cấp trên, cấp dưới theo mô hình tổ chức hành chính, mà hoàn toàn độc lập nhau về tổ chức, nhân sự, tài chính.
Bên cạnh đó, trên thực tế tại bốn tỉnh miền Trung xảy ra sự cố môi trường trong thời gian vừa qua nếu có Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh sẽ rất thuận lợi cho việc khắc phục hậu quả, triển khai bồi thường thiệt hại cho người dân, triển khai dự án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, tái cơ cấu sản xuất... trên địa bàn tỉnh, thành phố và sẽ giảm rất nhiều nguồn lực từ các cơ quan quản lý nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cũng đã cho ý kiến về quy định Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, hiện có tới 3 loại ý kiến về đề xuất này.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị không thành lập Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng.
Lý do là Luật Thủy sản năm 2003 tuy đã cho phép thành lập Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhưng sau 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản thì Quỹ chưa đi vào hoạt động. Việc thành lập Quỹ sẽ dẫn đến thêm bộ máy biên chế.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị thành lập Quỹ trung ương và Quỹ cấp tỉnh như dự thảo Luật để có hệ thống quỹ đồng bộ từ trên xuống dưới, tiếp nhận được đầy đủ và triển khai nguồn lực tài chính hỗ trợ cho phát triển nguồn lợi thủy sản. Thực tế, các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn liền với địa phương, cộng đồng dân cư; phải dựa vào địa phương, cộng đồng thì mới quản lý hiệu quả việc khai thác, sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thủy sản.
Loại ý kiến thứ ba, đề nghị thành lập Quỹ trung ương và khuyến khích phát triển Quỹ cộng đồng, không thành lập Quỹ cấp tỉnh vì: Tuy nguồn thu cho quỹ không ổn định nhưng thực tế đã có một số nguồn lực tài chính hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân; Quỹ trung ương sẽ là đầu mối triển khai đầu tư cho các chương trình, dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Trung ương cũng như ở địa phương khi thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ; Việc không thành lập Quỹ cấp tỉnh sẽ không làm phát sinh bộ máy, biên chế ở địa phương. Việc thành lập Quỹ cộng đồng do cộng đồng tổ chức để tiếp nhận nguồn tài trợ, đóng góp phục vụ cho chính hoạt động của cộng đồng.