Đề xuất bảo hiểm tiền gửi với vàng, USD
Đề xuất bảo hiểm tiền gửi với vàng, USD
Tại buổi thảo luận chiều nay, đa số các ĐBQH có phát biểu đều cho rằng, cần thay đổi cách tính BHTG để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị huy động tiền gửi, mặt khác người gửi tiền qua đó cũng có nhiều lựa chọn hơn. Một số ĐB khác cho rằng việc thu phí BHTG nên thực hiện theo quy định của NHNN.
Đồng ngoại tệ không nằm trong danh sách BHTG |
Vấn đề được quan tâm nhất chiều nay có lẽ là loại tiền gửi và đối tượng được tham gia BHTG.
Đối với loại tiền gửi, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) thống nhất với quy định chỉ bảo hiểm duy nhất tiền VND. Ngoài ra ông Tiếp cũng kiến nghị giao Chính phủ quyết định và NHNN quản lý thực hiện BHTG.
ĐB Đinh Xuân Thảo, Hà Nội cũng tỏ ra đồng tình với phương án chỉ bảo hiểm cho người sử dụng cá nhân và chỉ BHTG đối với tiền VND.
Tuy nhiên trái ngược với quan điểm trên, nhiều ĐB kiến nghị phải mở rộng phạm vi loại hình và đối tượng tham gia BHTG.
ĐB Minh Thắm (Lâm Đồng) thẳng thắn đề nghị cho mở rộng đối tượng BHTG đối với doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội, không nên chỉ giới hạn ở đối tượng là cá nhân. Ngoài ra ĐB Thắm cũng kiến nghị trong quy định cần bổ sung BHTG đối với vàng để thu hút người dân gửi vào.
Tương tự ĐB Nguyễn Thanh Hải – Hòa Bình cho hay, loại tiền gửi chỉ giới hạn ở tiền VNĐ là chưa hợp lý. Trên thực tế ngân hàng vẫn huy động và đang cho dân gửi vàng, đô la. Vì thế trong BHTG cần mở rộng thêm hai loại tài sản này để hạn chế tình trạng đô la hóa hiện nay.
Cùng quan điểm trên, ĐB Trần Thị Dung, tỉnh Điện Biên cũng kiến nghị cần bổ sung thêm đối tượng cũng như loại hình vàng và ngoại tệ vào BHTG.
Cũng xoay quanh đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo, Vĩnh Phúc cho rằng nếu trong quy định loại BHTG chỉ bằng VND, thì các tài sản khác như vàng, ngoại tệ của người dân phải được quy ra tiền VND để bảo hiểm. Tuy nhiên có ý kiến lại tỏ ra không tán thành với việc gửi bảo hiểm bằng vàng. Vì trước đây chúng ta đã có quy định cấm không bảo hiểm tiền gửi bằng vàng, vì thế không cần có trong quy định lần này.
Đề cập đến quyền lợi của người tham gia BHTG, ĐB Nguyễn Mạnh Cường, Quảng Bình thì cho rằng một số quy định đối với tổ chức BHTG còn mang tính nguyên tắc, chưa thể hiện sự minh bạch.
“Hoạt động tiền gửi phải nói đến Quỹ BHTG. Qũy này được sử dụng vào mục đích nào? BHTG là tổ chức tài chính, nhưng hoạt động lại giống BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong luật quy định rõ việc sử dụng ba loại quỹ này. Vậy đối với BHTG chúng ta đặt ra quy định đối với quỹ BHTG hay không? Đây là vấn đề chúng ta phải cân nhắc để đảm bảo tính minh bạch” – ĐB Cường nêu vấn đề.
Để tạo được sự đồng thuận và xây dựng được niềm tin trong nhân dân, nhiều ý kiến ĐB đều thống nhất tổ chức BHTG phải do Thủ tướng Chính phủ thành lập, NHNN là đơn vị quản lý, và Bộ Tài chính thực hiện chức năng giám sát.
Nguyễn Dũng