Đề nghị sớm đấu giá băng tần 700 MHz để có thể cung cấp 4G giá rẻ ở nông thôn
Hệ thống kiểm soát vô tuyến điện số 1 Đông Nam Á
Sáng 6/5/2016, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã thăm và làm việc tại trụ sở Cục Tần số Vô tuyến điện ở Hà Nội. Đây là đơn vị đầu tiên thuộc Bộ TT&TT được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tới thăm kể từ khi ông đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Trước buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã thăm trụ sở mới của Cục Tần số Vô tuyến điện hiện đã cơ bản hoàn thành, dự kiến sẽ khánh thành khai trương vào ngày 8/6/2016, nhân dịp kỷ niệm 23 năm thành lập Cục. |
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan tự hào cho biết: “Hệ thống mạng đa kiểm soát của Việt Nam hiện nay là số 1 Đông Nam Á, cũng là hệ thống mạnh so với các nước trên thế giới. Trong đó, các trung tâm đều có trạm kiểm soát tại chỗ và các hệ thống trạm kiểm soát điều khiển từ xa (91 trạm). Mặt khác, Cục còn có 22 xe kiểm soát lưu động, 2 hệ thống kiểm soát định hướng sóng ngắn, 1 trạm kiểm soát vệ tinh... Đặc biệt, phòng thử nghiệm EMC của Cục là một trong số rất ít phòng thử nghiệm tương thích điện từ ở Việt Nam, phòng duy nhất đáp ứng yêu cầu về thử nghiệm vô tuyến, đóng vai trò rất quan trọng trong việc công bố chứng nhận hợp quy thời gian vừa rồi. Cục đang tiến hành xây dựng phòng EMC thứ 2 tại TP.HCM”.
Về chức năng cấp phép băng tần, thiết bị sử dụng tần số vô tuyến điện, Cục đã ấn định và cấp phép tần số đáp ứng nhu cầu lớn, đúng quy định pháp luật, đảm bảo minh bạch, công bằng. Trong đó, đã cấp phép băng tần cho Mobifone, Vinaphone, Viettel, Sphone, Hà nội Telecom, EVN Telecom và cho G-Tel Mobile để phát triển các hệ thống thông tin di động 2G và 3G. Cấp 2.446 giấy phép (2.154 máy phát tương tự, 292 máy phát số) cho các đài phát thanh truyền hình. Cấp 24.459 giấy phép cho các tuyến viba; 12.668 giấy phép cho các mạng, đài vô tuyến dùng riêng, gồm 189 giấy phép di động hàng hải; 2.325 giấy phép đài tàu; 595 giấy phép di động hàng không và dẫn đường hàng không. Cấp 11.109 giấy phép cho các đài vô tuyến tầm xa đặt trên phương tiện nghề cá; 4.429 giấy phép cho các mạng truyền thanh không dây.
Đặc biệt, Cục Tần số Vô tuyến điện là đơn vị đầu tiên của Bộ TT&TT triển khai cấp phép điện tử. Hiện tổng số giấy phép điện tử là 28.242 giấy phép.
Lãnh đạo Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đã trực tiếp đề xuất với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn một số kiến nghị để tăng hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Cục. Trong đó, đáng chú ý nhất là đề nghị Bộ chỉ đạo sớm triển khai đấu giá băng tần 4G; đặt quyết tâm hoàn thành số hoá truyền hình và đấu giá băng tần 700 MHz để cung cấp dịch vụ băng rộng di động trong nhiệm kỳ này.
"Đây là băng tần quý như kim cương đối với Việt Nam và thế giới. Nếu thành công sẽ đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế. Vì băng tần này có đặc điểm ưu tiên tối ưu truyền sóng là có thể cung cấp dịch vụ 4G ở nông thôn với giá rẻ", Cục trưởng Đoàn Quang Hoan khẳng định.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. |
Cần đánh giá kỹ việc cấp phép 4G trên băng tần 2.600hz
Đánh giá rất cao hoạt động của Cục Tần số Vô tuyến điện thời gian qua, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận xét: "Cục đã triển khai tốt các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò, vị trí của cơ quan thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ, ngành TT&TT; Đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam nói riêng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung. Cục cũng là đơn vị dẫn đầu, tấm gương trong cải cách hành chính của Bộ TT&TT khi triển khai cấp phép tần số vô tuyến điện thông qua mạng Internet. Đặc biệt, Cục đã chủ động sáng tạo, tỏ rõ bản lĩnh trong hợp tác quốc tế để bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế".
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm mà Cục Tần số Vô tuyến điện cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Cụ thể, cần nhanh chóng hoàn thiện văn bản pháp luật về tần số vô tuyến điện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đáp ứng nhu cầu của xã hội, trong đó lưu ý sớm hoàn thành văn bản phối hợp giữa Bộ TT&TT với Bộ NN&PTNT về quản lý các thiết bị vô tuyến điện trên các phương tiện nghề cá; nghiên cứu sửa đổi quy hoạch phổ tần.
Tiếp tục cung cấp dịch vụ công qua mạng, công khai minh bạch quy trình thủ tục, kết quả thanh tra kiểm tra, kết quả xử lý can nhiễu trên website của Cục và của Bộ TT&TT. Đẩy mạnh hợp tác với cơ quan báo chí để công khai thông tin, định hướng tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp biết để tuân thủ và thực hiện.
Ngoài ra, Cục Tần số Vô tuyến điện cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khác để triển khai Đề án số hóa truyền hình đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư; Phối hợp Bộ Công an, Quốc phòng để phục vụ đảm bảo an ninh quốc phòng; Phối hợp rà soát chức năng quản lý tần số vô tuyến điện, nhiệm vụ quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và chất lượng các thiết bị nhập khẩu...
Đặc biệt, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh nhiệm vụ: "Cục Tần số cần phối hợp với Cục Viễn thông và các đơn vị liên quan để cập nhật đánh giá việc cấp phép 4G trên băng tần 2.600hz; coi đây như sự phát triển mới nhất về quy hoạch tần số 4G. Trong đó, cần nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và cơ cấu thị trường Việt Nam, nhu cầu thực sự của doanh nghiệp về băng tần, nhu cầu sử dụng thực sự của người dân, để thời điểm và phương thức cấp phép đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên số".